Vợ chồng anh Nguyễn Mạnh K. (24 tuổi, trú tại thành phố Hưng Yên) đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe vì kết hôn hơn 1 năm nhưng chưa có con. Kết quả kiểm tra cho thấy sức khỏe sinh sản của người vợ bình thường. Tuy nhiên, tinh dịch đồ của người chồng lại cho thấy đa số là là tinh trùng dị dạng, không di chuyển. 

Trực tiếp khám cho anh K., thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết tổng số tinh trùng di động chưa tới 1%. Bác sĩ rất khó khăn mới tìm được một số tinh trùng di động chậm chạp. 

Kết quả này khiến cả gia đình anh K. bất ngờ. Bởi người đàn ông này có vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh, không ai nghĩ rằng anh bị "yếu sinh lý". 

Lối sống ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng tinh trùng của nam giới.

Thực tế, khi các cặp vợ chồng chậm có con, nguyên nhân thường bị đẩy sang phía phụ nữ. Vì quan niệm này mà nhiều người chồng không đi khám sức khỏe sinh sản khi hiếm muộn, nhất là trong trường hợp nam giới có sức khỏe tốt. 

Theo bác sĩ Thành lối sống của anh K. cũng có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới khả năng sinh sản như uống bia rượu, hút thuốc lá, tăng cân. Trung bình mỗi ngày người đàn ông này hút một bao thuốc. 

Gần đây, bác sĩ Thành cũng gặp một trường hợp nam giới mới 22 tuổi đến làm xét nghiệm tinh dịch đồ nhưng chất lượng tinh trùng rất kém. Nam bệnh nhân này hút thuốc từ cấp 2, hiện tại làm kinh doanh quán ăn nên càng uống bia rượu nhiều.

Do đó, ông cảnh báo, nam giới không nên chủ quan dù ở độ tuổi nào, tình trạng sức khỏe ra sao. Bởi quan niệm nam giới trẻ, khỏe thì chất lượng tinh trùng sẽ tốt là hoàn toàn sai lầm. Cụ thể, người uống bia rượu nhiều có chất lượng tinh trùng thấp hơn người bình thường khoảng 30%. Thói quen này kéo dài còn khiến các nội tiết tố trong cơ thể bị rối loạn, chất lượng tinh trùng càng giảm hơn.

Ngoài ra, thuốc lá không chỉ gây ung thư, tim mạch mà còn ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tinh trùng. Ở nam giới hút thuốc, khả năng di chuyển, tỷ lệ chết, bất thường, dị dạng tinh trùng cao hơn.

Thừa cân, béo phì cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm đến sức khỏe. Đây là một trong những tác nhân gây nên tình trạng vô sinh ở nam giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) và nồng độ testosterone máu. Chỉ số BMI tăng liên quan đến việc làm giảm mật độ, khả năng di chuyển nhanh của tinh trùng, tăng tỷ lệ vô sinh ở nam giới.

Bác sĩ Thành khuyến cáo sau 6 tháng sinh hoạt vợ chồng không sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng vẫn chưa có con, vợ chồng cần tới bệnh viện kiểm tra, dù thể trạng khỏe mạnh.