Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, vừa phối hợp triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia.
Trong số 23 đối tượng bị cơ quan công an bắt giữ, qua điều tra xác định, đối tượng cầm đầu ở Việt Nam là Nguyễn Hoàng Sang (SN 2001), Lê Trường Thịnh (SN 1997), cùng ở Tây Ninh.
Công an xác định Sang, Thịnh cùng nhóm đối tượng câu kết với "Lùn" và "Trắng" đã tuyển gần 100 người Việt Nam, đưa sang Campuchia làm việc bằng hình thức thông qua các trang mạng xã hội, đăng bài viết với nội dung hứa hẹn mức lương cao, đãi ngộ hấp dẫn để tuyển hoặc khuyến khích các nhân viên lôi kéo thêm bạn bè, người thân sang Campuchia cùng làm việc.
Các đối tượng hướng dẫn nạn nhân liên hệ qua ứng dụng telegram gặp "chuyên gia" lừa chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng của chúng. Khi nạn nhân 'dính bẫy' đã chuyển tiền thì sẽ càng bị lấn sâu với lợi nhuận chúng đưa ra. Đến khi đạt số tiền nhất định, nhóm lừa đảo liền chặn liên lạc, xóa tài khoản và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Bạn đọc Nguyễn Thị Thu Hà có nêu: "Tôi cũng bị mất tiền có cách nào lấy lại được không?". Còn bạn đọc giấu tên hỏi: "Mình cũng bị lừa 165 triệu qua ứng dụng telegram bằng hình thức mua hàng chuyển khoản trên ứng dụng lazada muốn tố cáo được không?".
Để trả lời câu hỏi nêu trên, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Trong trường hợp này, nhóm đối tượng trên đã sử dụng hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Cụ thể nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo thông qua hình thức lợi dụng mạng internet, trang mạng xã hội đăng tin tuyển dụng cộng tác viên làm việc online, rồi dụ dỗ họ chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng, để đặt mua đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử giả mạo như Shopee, Lazada...
Qua đó, các đối tượng đã lừa đảo hàng nghìn người Việt Nam, chiếm đoạt số tiền ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Thủ đoạn gian dối của những đối tượng được lên kế hoạc từ trước, chúng hoạt động có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, làm cho nạn nhân tin và chuyển tiền cho họ, nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Luật sư Hoàng Tùng viện dẫn, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì với hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các đối tượng này có thể phải chịu hình phạt là phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm và tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Từ căn cứ nêu trên, luật sư Hoàng Tùng phân tích: “Các nạn nhân nếu muốn đòi lại tiền, cần trình báo với cơ quan công an về việc mình bị lừa. Khi trình báo cơ quan công an, nạn nhân cần cung cấp bằng chứng như: cuộc trò chuyện về việc tuyển dụng, làm việc online, nội dung tin nhắn, số điện thoại, thông tin tài khoản nhận tiền, lệnh chuyển khoản, sao kê ngân hàng...
Tuy nhiên, còn việc nạn nhân có lấy lại được tiền hay không còn tuỳ thuộc vào việc, các đối tượng phạm tội sau khi chiếm đoạt đã tẩu tán tài sản hay dùng vào mục đích khác hết hay chưa.
Nếu như các đối tượng phạm tội không còn tài sản, gần như bị hại sẽ không có khả năng lấy lại được tài sản đã bị chiếm đoạt”.
“Để có thể tránh tình trạng bị lừa đảo qua mạng, người dân cần lưu ý một vài điểm như sau: Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân, luôn cảnh giác và tự đặt ra câu hỏi xem sự việc có đang diễn ra hợp lý không.
Tiết chế lòng tham với các khoản tiền tự nhiên mà có. Chủ động tìm hiểu thông tin về các chiêu trò lừa đảo. Khi bị lừa đảo qua mạng, bị hại cần tố cáo trực tiếp hoặc trình báo lừa đảo qua đường dây nóng của cơ quan công an để tránh nhưng hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, luật sư Hoàng Tùng khuyến cáo.
>> Đọc thêm tin pháp luật trên báo VietNamNet