Thời gian qua, phát huy vai trò là cầu nối đưa pháp luật đến với cộng đồng, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật luôn sáng tạo, đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Thông qua đội ngũ này, người dân nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó tuân thủ pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

tuyen-truyen-phap-luat-quang-tri-1.jpg

Vì vậy, việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng chính là giúp người dân dễ tiếp cận với pháp luật hơn, người dân ngày càng hiểu và chấp hành tốt pháp luật. Xác định được vai trò quan trọng của báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhiều địa phương đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ này.

Xã miền núi Hướng Hiệp (tỉnh Quảng Trị) là một trong số xã ở huyện Đakrông được đánh giá làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật nơi đây. 

Là xã có đông đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của xã không quản ngại khó khăn, vất vả đã rất tâm huyết, năng động trong việc nắm bắt kĩ tình hình an ninh trật tự của khu dân cư từ đó để có hướng chuẩn bị nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp. 

Để các quy định và chính sách đến với người dân, các đội ngũ báo cáo viên, truyên truyền viên đã đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật liên quan đến đời sống thiết thực của nhân dân trên địa bàn như các luật: Hôn nhân và gia đình, Phòng chống ma túy, Giao thông đường bộ, Đất đai, Lâm nghiệp... 

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” nên bất cứ thời gian nào gặp được bà con là các tuyên truyền viên, báo cáo viên lại “tranh thủ” giới thiệu, tuyên truyền; thậm chí có thời điểm phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giúp bà con nắm bắt các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước kịp thời, nhờ đó, người dân trong xã ngày càng hiểu và chấp hành tốt pháp luật, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên trong xã đã tích cực đến trường học tập, tránh xa các tệ nạn xã hội, luôn chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ…

UBND huyện Đaknông cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 20 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 158 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, thị trấn. Hằng năm, đội ngũ này được tham gia các lớp bồi dưỡng do tỉnh tổ chức, qua đó, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền viên pháp luật và truyền tải các chủ trương, chính sách pháp luật đến với người dân, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin pháp luật của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội trong giai đoạn hiện nay. 

Từ năm 2020 đến nay, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn huyện đã tham gia trên 230 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả để vươn lên thoát nghèo bền vững; chung tay xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực như ủng hộ ngày công lao động, hiến đất, vật kiến trúc xây dựng các công trình phúc lợi; thực hiện nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư; phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe; phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 225 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 217 báo cáo viên pháp luật cấp huyện,1.193 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Những năm gần đây, đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tỉnh quan tâm xây dựng, kiện toàn. Theo đó, tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và những kỹ năng tuyên truyền giúp nâng cao năng lực cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, từ đó nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương.

Vào cuối tháng 11/2023 vừa qua, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị và Chương trình phát triển của Liên Hiệp quốc (UNDP) đã phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực, kĩ năng cho Báo cáo viên Pháp luật tỉnh Quảng Trị.

Tại đây, các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của tỉnh đã được bồi dưỡng các nội dung liên quan đến kiến thức, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật; kỹ năng tổ chức tập huấn theo phương pháp tích cực, lấy người học làm trung tâm; áp dụng công nghệ thông tin trong tổ chức tập huấn; kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù; áp dụng kiến thức này vào quá trình thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng tập huấn theo phương pháp tăng cường sự tham gia của người học để đội ngũ này trực tiếp phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. 

Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị Hoàng Kỳ, khẳng định, việc nâng cao kĩ năng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện được coi là một trong những giải pháp ưu tiên, mang tính chiến lược và dài hạn của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị. Đó cũng là biện pháp vô cùng quan trọng để tăng cường chất lượng, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Thời gian tới, để nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của dân, tỉnh Quảng Trị sẽ chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong tỉnh.

Vân Anh và nhóm PV, BTV