Nhiều mục tiêu bình đẳng giới đến năm 2025
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường bình đẳng giới trên các lĩnh vực ở vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trên thực tế, những nỗ lực hỗ trợ bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng chưa đáp ứng được các yêu cầu của quá trình hội nhập.
Năm 2022, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, Chính phủ đã đưa vấn đề bình đẳng giới thành một trong những dự án thành phần của chương trình. Đó là Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Nhằm triển khai hiệu quả Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo điểm.
Phụ nữ dân tộc thiểu số Sóc Trăng dần thể hiện quyền bình đẳng trong đời sống.
Kế hoạch triển khai đồng loạt các mô hình, hoạt động can thiệp của Dự án 8 tại một số địa phương đại diện theo vùng miền trên toàn quốc, từ đó làm cơ sở để đánh giá, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Dự án 8 và lan tỏa, nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, có 8 tỉnh đại diện các vùng miền (miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ) sẽ triển khai theo Kế hoạch chỉ đạo điểm gồm: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng.
Mỗi tỉnh sẽ lựa chọn 1 xã phù hợp để tập trung nguồn lực và can thiệp toàn diện các mô hình của Dự án. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.
Tại Sóc Trăng, Dự án 8 được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì triển khai với nhiều giải pháp. Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng có hơn 212 nghìn hội viên (trong đó, có hơn 32% hội viên người dân tộc thiểu số).
Dự án 8 triển khai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gồm có 4 nội dung chính. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện xã hội; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Đồng thời, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Đối tượng thụ hưởng của dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn; ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.
Địa bàn triển khai là các xã, ấp, khóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên nguồn lực cho địa bàn đặc biệt khó khăn. Đối với tỉnh Sóc Trăng, Dự án 8 được thực hiện tại 42 xã của 9 huyện, thị xã, gồm: Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Châu Thành, Mỹ Tú, Kế Sách, Long Phú, Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm. Từng năm, số ấp sẽ được thay đổi để triển khai thực hiện dự án.
Đến năm 2025, Dự án 8 thực hiện một số chỉ tiêu chính như thành lập 118 tổ truyền thông cộng đồng; 14 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 40 tổ tiết kiệm vay vốn tự quản được củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới và duy trì hoạt động; 7 tổ hoặc nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất.
Bên cạnh đó, còn có 80% phụ nữ dân tộc thiểu số trong độ tuổi sinh đẻ được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Thành lập 24 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em nhằm nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động.
Tổ chức 58 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm ấp, khóm. Có 50 cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp xã (gồm cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu) được nâng cao năng lực.
Nâng cao nhận thức qua công tác tuyên truyền
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng luôn tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ và diễn biến tình hình, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ ngay từ cơ sở, không để xảy ra các “điểm nóng”, nhất là ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Để tạo sự chuyển biến trong thực hiện bình đẳng giới, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đều có kế hoạch cụ thể, thực hiện có hiệu quả các đề án về thực hiện bình đẳng giới. Theo đó, ở mỗi cơ sở Hội sẽ lựa chọn vấn đề bức xúc ở địa phương có liên quan đến 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” để tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo...
Hội cũng vận động, hỗ trợ để các chị em không sa vào tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm; can thiệp và giúp đỡ các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại xảy ra trên địa bàn.
Đồng thời, mở các lớp tuyên truyền, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, tín dụng đen, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Riêng năm 2023, Tỉnh hội chỉ đạo đã và đang thành lập 60 tổ truyền thông cộng đồng; 14 địa chỉ an toàn (địa chỉ tin cậy tại cộng đồng); tổ chức 9 lớp hướng dẫn, vận hành và quản lý tổ truyền thông. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về hoạt động hỗ trợ các tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ.
Vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới giữa kỳ trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức 10 lớp tập huấn cho cán bộ phụ nữ các cấp theo Chương trình 2 về nâng cao năng lực lồng ghép giới và Chương trình 3 về thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng.
Các cấp hội có thực hiện dự án tổ chức 400 cuộc truyền thông, chia sẻ, cập nhật thông tin về xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số; 110 cuộc truyền thông tại ấp, khóm thực hiện dự án; 9 chiến dịch truyền thông tại cơ sở và truyền thông gắn với các buổi sinh hoạt chi, tổ hội phụ nữ về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em; 27 cuộc đối thoại chính sách…
Thông qua dự án, cùng với các hoạt động phong trào công tác hội, tỉnh Sóc Trăng mong muốn sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em. Giúp phụ nữ, trẻ em tự tin hơn trong việc bảo vệ bản thân và thụ hưởng những quyền lợi chính đáng, hợp pháp. Giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em trong trường học và cộng đồng. Bên cạnh đó, cán bộ hội các cấp cũng sẽ được nâng cao năng lực trong việc lồng ghép giới trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như nhiệm vụ chuyên môn.
Có thể thấy, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng thông qua công tác tuyên truyền, các mô hình để tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của cả hệ thống chính trị và nâng cao nhận thức, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ.
Hiện nay, phụ nữ không những dần thể hiện được quyền bình đẳng trong đời sống mà còn tham gia nhiều hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực trong xã hội.
Cụ thể, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, học sinh dân tộc tham gia học tập ngày càng đông, tỷ lệ học sinh nam, nữ không còn sự chênh lệch nhiều. Phụ nữ dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, hỗ trợ lao động việc làm và đồng bào dân tộc thiểu số đều có bảo hiểm y tế, được chăm sóc sức khỏe.
Ở lĩnh vực kinh tế, chính trị, vai trò của phụ nữ ngày càng nâng cao vì chị em đã tích cực tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; làm tăng sản phẩm cho xã hội, thu nhập của gia đình.