Ngày 07/12, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo Triển khai kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu ở Australia và một số tỉnh, thành phố. Tham dự là đại diện các đơn vị thuộc Bộ LĐTB&XH: Cục Trẻ em, Vụ Bình đẳng giới, Cục Quản lý lao động ngoài nước; đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an); Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng); đại diện Sở LĐTB&XH và Chi cục/Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội của 30 tỉnh, thành phố phía Bắc; Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Đại sứ quán Anh; đại diện các tổ chức: UNDP, IOM, FHI, Tổ chức Trẻ em Rồng xanh...
Hội thảo triển khai kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. |
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam chia sẻ, mua bán người là thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Ước tính mỗi năm có 21 triệu người bị bóc lột sức lao động tàn nhẫn và có 1/3 số vụ mua bán phụ nữ, trẻ em diễn ra trong khu vực Đông Nam Á hoặc từ khu vực Đông Nam Á... Vì vậy, Hội thảo sẽ tiếp thu những kết quả ý nghĩa và đảm bảo cho việc triển khai, thực hiện các hoạt động hỗ trợ nạn nhân trong thời gian tới. Trong đó, lấy nạn nhân làm trung tâm, phản ảnh các chuẩn mực từ cộng đồng quốc tế và có đóng góp hiệu quả vào cuộc chiến chống nạn mua bán người tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản tại Quyết định số 525/QĐ-LĐTBXH ngày 05/5/2021 của Bộ LĐTB&XH về việc ban hành Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng. Giảm nguy cơ bị mua bán và tăng cường kỹ năng phòng tránh bị mua bán trở lại. Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đảm bảo sự bình đẳng và tăng tỷ lệ nạn nhân bị mua bán được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng bền vững. Đồng thời, Kế hoạch cũng xác định rõ 5 mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đại biểu các cơ quan, đơn vị và tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận, chia sẻ về quá trình tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân; công tác phối hợp liên ngành tiếp nhận, xác minh, chuyển tuyến và kinh nghiệm của các quốc gia trong hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Đặc biệt, thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động hỗ trợ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, nhiều nội dung về chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân, công tác phối hợp liên ngành chưa được quy định cụ thể, các đơn vị, địa phương phải “vận dụng” hoặc phải “vượt rào” để có thể hỗ trợ tối đa cho các nạn nhân bị mua bán người.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho hay, đây là cơ hội cho các đại biểu trao đổi về quá trình thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân tại địa phương, công tác phối hợp liên ngành giữa các đơn vị chức năng và kinh nghiệm của các quốc gia trong hỗ trợ nạn nhân mua bán người, từ đó tìm ra những giải pháp phù hợp trong tương lai.
Xuân Quý