Tại Tọa đàm Nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin, thời gian qua, hầu hết các tỉnh thành đã rất chú ý đến việc thực hiện các FTA thế hệ mới và việc ban hành kế hoạch thực hiện các FTA này của các địa phương ngày càng tích cực hơn.

“Đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau khoảng độ hơn 8 tháng kể từ khi FTA này có hiệu lực mới có đầy đủ các kế hoạch thực hiện của các tỉnh thành. Thế nhưng, đến Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) chỉ có khoảng 4 tháng và đến Hiệp định Thương mại Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) chỉ khoảng độ chưa đến hai tháng đã có đầy đủ kế hoạch thực hiện từ các tỉnh thành”- ông Ngô Chung Khanh dẫn chứng.

Sản xuất linh kiện điện tử

Cùng đó, kết quả thực hiện cũng ghi nhận ngày càng tích cực hơn. Chẳng hạn trước đây các báo cáo đầu tiên Bộ Công Thương nhận được năm 2020, tức là một năm sau khi CPTPP có hiệu lực, nhiều báo cáo còn tương đối sơ sài, chung chung. Tuy nhiên, khi sang đến EVFTA điều này đã được cải thiện qua việc các số liệu hay các thông tin mà tỉnh, thành cung cấp đầy đủ hơn. Đáng lưu ý, nhiều tỉnh thành cũng đưa ra rất chi tiết đối với từng mặt hàng hay từng lĩnh vực đã hỗ trợ như thế nào với doanh nghiệp. 

Hơn nữa, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành trong cả nước sang các thị trường FTA thế hệ mới gia tăng đáng kể. Có những tỉnh ghi nhận tăng trưởng hai con số cùng với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và có những tỉnh có những mặt hàng chiến lược để thúc đẩy xuất khẩu và ghi nhận kim ngạch tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh, dư địa vẫn còn rất lớn như chỉ có 38/63 tỉnh thành là có ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngay sau khi các Hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết và có hiệu lực, thành phố Hà Nội đã xây dựng, triển khai thực thi các FTA. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch, số lượng doanh nghiệp có giao dịch xuất khẩu với các nước được ký kết trong Hiệp định cũng còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có được các lô hàng hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định. Các hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thay đổi theo những cái mới, và đặc biệt thị trường mới như Canada, Mexico, Peru vẫn còn khiêm tốn.

Ông Đinh Trọng Cường – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu – cho biết, từ khi có các FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đã có sự gia tăng đáng kể, ví dụ kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt mức tăng từ 0,75% cho đến ba lần so với trước đó.

Để chủ động thúc đẩy hội nhập sâu rộng và triển khai thực thi các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệp định CPTPP và các Hiệp định FTA khác. Trong các năm qua, Sở Công Thương tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các thương vụ tại các nước cũng như các sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thông tin về thị trường xuất khẩu, các văn bản mà hướng dẫn về thực thi các FTA của các bộ, ngành nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về các FTA thế hệ mới cũng như khai thác, tận dụng các ưu đãi, cơ hội mở rộng thị trường từ các cam kết trong FTA.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn cũng gặp một số khó khăn, thách thức như về mặt khách quan. Chẳng hạn như diễn biến bất lợi của quốc tế như là cuộc xung đột của Nga - Ukraine còn kéo dài, diễn biến về chi phí năng lượng, nhiên liệu tăng, tình hình lạm phát ở các nước cũng như các chi phí logistics tăng, biến đổi khí hậu, các quy định cao về chất lượng sản phẩm cũng như các quy định về môi trường, lao động, thẻ vàng tại các nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng còn rất nhiều như hạn chế về khả năng đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chất lượng, hạn chế về năng lực, về xúc tiến thị trường và tiếp cận các khách hàng còn chưa cao.

Lê Na, Bích Thủy, Lê Thị Na