Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tính tới tháng 12/2023, cả nước có 20.500 hợp tác xã nông nghiệp với tổng số 3,8 triệu thành viên; bình quân 195 thành viên/hợp tác xã nông nghiệp.

anh bai 19.jpg
Cần nâng cao hơn nữa vai trò của hợp tác xã trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho người nông dân. 

Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tính tới tháng 12/2023, cả nước có 20.500 hợp tác xã nông nghiệp với tổng số 3,8 triệu thành viên; bình quân 195 thành viên/hợp tác xã nông nghiệp.

Về cơ cấu hợp tác xã nông nghiệp trong các lĩnh vực: 44% là hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, 38,5% hợp tác xã trồng trọt, 5,5% hợp tác xã chăn nuôi, 5,5% hợp tác xã thủy sản, 1,1% hợp tác xã lâm nghiệp, 0,2% hợp tác xã diêm nghiệp...

Đã có 1.931 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, chiếm 9,86% tổng số hợp tác xã nông nghiệp cả nước; 1.200 hợp tác xã là chủ thể OCOP, chiếm 38% tổng số chủ thể OCOP cả nước, sở hữu 40% số sản phẩm OCOP cả nước.

Doanh thu bình quân 2,86 tỷ đồng/hợp tác xã; lợi nhuận bình quân 378 triệu đồng/hợp tác xã; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên là 50 triệu đồng/năm.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp thì 16% đạt mức Tốt, 35,5% đạt mức Khá, 35,9% đạt mức Trung bình, 12,6% vẫn ở mức Yếu

Tới nay, đã có 4.400 hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận hoạt động bao tiêu nông sản, đạt 22,5% số hợp tác xã nông nghiệp, tăng mạnh so với tỷ lệ 6% của năm 2015.

Theo bà Hồng Vân, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Chẳng hạn, quy mô các hợp tác xã còn nhỏ, ít thành viên; còn hạn chế về trình độ, năng lực quản trị; thiếu vốn, tài sản; khả năng tiếp cận công nghệ yếu; thiếu thông tin thị trường…

“Nhiều hợp tác xã đã nỗ lực, tạo thành quả nhất định. Tuy nhiên, “bức tranh” hợp tác xã năm 2023 vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết. Cần sự hỗ trợ để các hợp tác xã phát huy vai trò như mong muốn. Rất mong các địa phương nghiên cứu triển khai Nghị quyết 106 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; lựa chọn, bồi đắp, nhân rộng mô hình hợp tác xã tiêu biểu tại từng địa phương”, bà Hồng Vân chia sẻ.

“Đã đến giai đoạn chúng ta cần quan tâm phát triển không chỉ số lượng mà cả chất lượng hợp tác xã. Ưu tiên các hoạt động tăng cường vai trò của hợp tác xã, giúp các hợp tác xã tiêu thụ nông sản tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị nông sản”, bà Vân nhấn mạnh.

Hoạt động hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã sẽ theo hướng ưu tiên các hợp tác xã quy mô lớn, đông thành viên; quan tâm đa lợi ích, cả về kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi cho người dân nông thôn; từ chú trọng đầu vào sang kết hợp chú trọng đầu ra; từ đơn chức năng sang đa chức năng, tích hợp đa giá trị…

Các cơ quan liên quan sẽ hỗ trợ phát triển các hợp tác xã theo tín hiệu của thị trường; hỗ trợ để hợp tác xã đóng vai trò là chủ thể phát triển địa phương… 

Những nội dung hỗ trợ chủ yếu gồm: Phát triển gắn với chuỗi liên kết, vùng nguyên liệu; Đào tạo và phát triển nhân lực; Ứng dụng công nghệ, tiêu chuẩn, GAP, công nghệ số; Hỗ trợ hạ tầng sản xuất kinh doanh, logistic…

“Chúng ta cần đổi mới tư duy trong hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Cụ thể, cần phát triển hợp tác xã trong định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Phát triển hợp tác xã gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, chuyển đổi số, OCOP, môi trường, du lịch nông thôn… Chuyển đổi sang tư duy Win-Win (các bên cùng có lợi) trong liên kết với doanh nghiệp, tạo ra các hệ sinh thái trong sản xuất kinh doanh”, bà Vân khuyến nghị.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã giới thiệu 66 mô hình hợp tác xã điển hình trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tiếp đó, phần kết nối các công nghệ hỗ trợ sản xuất của doanh nghiệp cho hợp tác xã có sự tham gia của đại diện Mạng Nhà nông - nền tảng số phục vụ nông nghiệp Việt Nam; đại diện doanh nghiệp cung cấp Phần mềm Hỗ trợ quản lý, phân hạng và thương mại sản phẩm OCOP…

Phần kết nối doanh nghiệp và siêu thị tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã có sự tham gia của đại diện các siêu thị Central Retal/Go, MM Mega Market, Nutri mart, Tập đoàn Sunwah tại Hà Nội; Công ty Chợ Tốt; hệ thống Tiki…

Đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng đã có cơ hội để giới thiệu và kết nối sản phẩm của mình để tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường.

Trần Huệ và nhóm PV, BTV