Theo kết quả khảo sát tình hình thực hiện Luật phòng chống mua bán người tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh.
Hầu như các tỉnh này điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn, người dân làm nông nghiệp, bán thời vụ, việc làm không ổn định chiếm tỷ lệ cao…đời sống người dân địa phương gặp khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Đặc biệt là các xã – huyện ở miềm núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm ổn định, thất nghiệp nên có nhu cần tìm kiếm việc làm ở những địa phương khác.
Theo Công an huyện Bắc Hà, qua điều tra các vụ mua bán người ở trên địa bàn thì thủ đoạn ban đầu là đối tượng làm quen, tán tỉnh yêu đương, cung cấp vật chất như điện thoại, quần áo đẹp rồi các vật chất khác cho người bị hại để tạo lòng tin. Sau đó các đối tượng rủ người bị hại đến khu vực biên giới, rồi bán sang bên kia biên giới.
Những nạn nhân bị bán ra nước ngoài có cuộc sống rất khổ cực, thường bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, có người phải mang thương tật suốt đời. Một số khác bị biến thành nô lệ tình dục hoặc trở thành món hàng trao tay để người chồng kiếm lời. Một số sau khi lấy chồng bị bạo hành, ngược đãi.
Nhiều người khi trở về không có công ăn việc làm, thậm chí mang trong mình những căn bệnh xã hội.
Khảo sát của Quốc hội tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang… cũng cho thấy các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi. Nhiều trường hợp phạm tội có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán.
Cụ thể, nhiều trường hợp, đối tượng phạm tội ở nước ngoài móc nối với các đối tượng là người Việt Nam đang làm thuê ở Trung Quốc, Campuchia hoặc ở trong nước lợi dụng quan hệ quen biết hoặc sử dụng điện thoại, mạng xã hội để tiếp cận, tìm những phụ nữ, trẻ em có trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để môi giới việc làm có thu nhập cao ở nước ngoài, nhưng thực chất là bán ra nước ngoài.
Tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao, là án truy xét, khó phát hiện, chủ yếu phát hiện thông qua tố giác của nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân.
Do đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị công an các địa phương cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và công tác điều tra để tránh bỏ lọt tội phạm.