Theo tỉnh Vĩnh Phúc, kết quả khảo sát các DN trong nước (DDI) đã tham gia chuỗi cung ứng hoặc đã vào các KCN trên địa bàn tỉnh (53% số doanh nghiệp được khảo sát nằm trong khu, cụm công nghiệp (KCCN), 47% số doanh nghiệp nằm ngoài KCCN),có gần 60% số doanh nghiệp được khảo sát thuộc lĩnh vực cơ khí, sản phẩm sản xuất là các loại linh kiện bằng kim loại phục vụ hoạt động sản xuất, lắp ráp, gia công.
Các lĩnh vực như nhựa ‑ cao su và điện ‑ điện tử cũng đã tham gia cuộc khảo sát, nhưng tỉ lệ rất thấp. Đây là các lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới hoạt động cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Tỉ lệ DN dệt may và da giày tham gia khảo sát cũng rất thấp.
Theo doanh thu, có 57,14% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa là 14,29% và tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô lớn là 28,57%. Theo lao động, 63% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (không quá 100 lao động),DN có quy mô lớn là 21%.
Các doanh nghiệp DDI trên địa bàn tỉnh phần lớn đã có thời gian hoạt động khá lâu. 1/2 số doanh nghiệp đã hoạt động trên 10 năm, 25% số doanh nghiệp đã hoạt động được từ 5 tới 10 năm trong khi số doanh nghiệp mới hoạt động từ 5 năm trở xuống chiếm 25%.
Về các công cụ quản lý tiên tiến, có ½ số DN được hỏi hiện chưa áp dụng bất cứ tiêu chuẩn quản lý quốc tế nào, 50% còn lại đều đã áp dụng ISO 9000/9001.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe hơn còn rất ít DN thực hiện: 14,3% áp dụng ISO 14000/14001 (đều đã áp dụng ISO 9000/9001); Các tiêu chuẩn chuyên ngành, trách nhiệm xã hội…: chưa có DN nào. Về các công cụ quản lý tiên tiến, có tới 35,7% chưa áp dụng bất cứ công cụ nào, 57,1% đã áp dụng 5S, 21,4% số doanh nghiệp đã áp dụng Kaizen, 14,3% áp dụng LEAN Manufacturing. Các công cụ cao cấp hơn như TQM, 6 Sigma… chưa DN nào áp dụng.
Theo kết quả khảo sát,có 64% số doanh nghiệp đã từng hoặc đang liên kết với các doanh nghiệp FDI.
Theo đó, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh là khách hàng quan trọng nhất của doanh nghiệp DDI tham gia khảo sát, chiếm 75%, còn lại là các doanh nghiệp FDI tại các tỉnh khác, chủ yếu ở các tỉnh lân cận, chỉ có Cosmos đã xuất khẩu trực tiếp. Khả năng tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp DDI trên địa bàn được tiếp cận theo 4 nhóm để có thể phân tích sâu hơn, bao gồm:
Nhóm đã tham gia lớp 1 của chuỗi cung ứng. Nhóm này gồm các doanh nghiệp đã tham gia được vào các chuỗi cung ứng, cung ứng trực tiếp cho doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận trong các lĩnh vực xe máy, máy nông nghiệp, điện tử. Các doanh nghiệp tiêu biểu: Cosmos, Mê Trần Bình Xuyên, Accuracy, Thành Thắng, SSP Moulding, Thuận An. Hầu hết đội ngũ lãnh đạo/sáng lập của các Công ty này đều đã từng làm việc tại các Công ty FDI Vĩnh Phúc, như HVN, PVN, VPIC1.
Ví dụ công ty Cosmos, bắt đầu sản xuất từ năm 2005 tại Vĩnh Phúc và đầu tư nhà máy thứ 2 ở Phú Thọ, đây là Công ty sản xuất linh kiện cơ khí dập, hàn, uốn, khuôn dập và linh kiện cơ khí khác. Khách hàng chính là HVN, và các Công ty FDI là NCC lớp 1 của HVN, như Honda Goshi Thang Long Vietnam, Nissin Brake Vietnam. Như vậy, Cosmos vừa là nhà cung cấp lớp 1 vừa là nhà cung cấp lớp 2 trong chuỗi cung ứng của HVN. Công ty cũng cung cấp linh kiện dập cho Panasonic Việt Nam. Năm 2017, Công ty cũng đã trở thành NCC linh kiện dập cấp 1 của Toyota Việt Nam. Doanh thu hàng năm của Công ty là 50 triệu USD với số lượng lao động khoảng 1200 người.
Công ty Mê Trần Bình Xuyên đầu tư tại Vĩnh Phúc từ năm 2011. Công ty này sản xuất cụm dây điện (Wire harness)cho HVN vàNippon Seiki. Công ty có nhà NCC lớp 2 là Công ty SSP Molding cũng tại Vĩnh Phúc, chuyên cung cấp khuôn và ép nhựa. Doanh thu hàng năm: 6 triêu USD với hơn 300 lao động. Mặc dù chỉ có quy mô vừa, quy trình quản lý và chất lượng của Mê Trần Bình Xuyên và SSP Moulding đều ở chuẩn mực cao của Nhật Bản. Cả 2 Công ty này hiện đã chuyển đổi số hoàn toàn nhiều công đoạn sản xuất như quản lý kho hàng, kiểm tra chất lượng sản phẩm xuất hàng.
Điểm chung của các Công ty lớp 1 rất mạnh như Cosmos và Mê Trần Bình Xuyên là chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất hàng đầu, tương đương với các Công ty FDI cùng lĩnh vực tại Việt Nam và toàn cầu. Họ có quan hệ rất tốt với các Công ty FDI, chủ động tìm kiếm được các đơn hàng và khách hàng mới. Các Công ty này hầu như không cần hỗ trợ về năng lực, mà ngược lại, các cơ quan địa phương cần kêu gọi sự hỗ trợ của họ trong phát triển hệ thống DN nội địa của tỉnh. Đây là nguồn khách hàng quan trọng của DDI trên địa bàn tỉnh, là động lực và cơ hội để các DN DDI có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của FDI ở các lớp dưới. Vĩnh Phúc cũng cần tập trung thu hút thêm các Công ty DDI cung ứng lớp 1 có chất lượng như vậy để tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp của tỉnh, và quan trọng hơn là tạo thị trường phù hợp với năng lực của DN Vĩnh Phúc trong giai đoạn đầu kết nối với FDI.
Nhóm đã tham gia lớp 2 của chuỗi cung ứng. Điển hình là các Công ty cơ khí như Accuracy, Thành Thắng, Thuận An, VTG; Nhựa Thiện Mỹ, Khuôn và Nhựa SSP Molding. Các Công ty cơ khí này đều có quy mô vừa, chuyên sản xuất linh kiện cơ khí, là NCC lớp 2 cho xe máy của HVN, Yamaha Việt Nam, xe máy Vinfast... qua VPIC1; Thành Thắng là NCC lớp 2 của TMV qua Toyota Boshoku; Thiện Mỹ cung cấp cho ô tô HVN và TMV qua Daiwa Plastics và Nhựa Hà nội. Các Công ty này cũng là NCC lớp 1 cho LG, Panasonic Việt Nam (điện tử gia dụng), hay Yahata, (máy nông nghiệp và cơ khí chế tạo). Các Công ty này đều đang đầu tư sản xuất tại các KCN Vĩnh Phúc.
Nhóm tham gia các lớp dưới của chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp đã tham gia vào các lớp 2, 3 của chuỗi cung ứng cũng đã có trên địa bàn Vĩnh Phúc, tiêu biểu là các Công ty như VTG, Nguyên Linh, SNT, Vinastartup...
Các doanh nghiệp này phần lớn sản xuất các sản phẩm cơ khí, khách hàng là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn (Như VPIC1, Thiên Quang, Mentech), tại các tỉnh lân cận (GSK) và doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn (Cosmos). Điểm đặc biệt là hầu hết chủ Công ty đều là công nhân từng làm việc tại VPIC1. Vì vậy, mặc dù quy mô nhà máy nhỏ, diện tích sản xuất rất chật hẹp, đang đặt giữa khu dân cư, các nhà máy đều đã áp dụng 5S và chỉ dẫn, quy định sản xuất tốt hơn nhiều mức thông thường với các Công ty cùng tình trạng.
Nhóm chưa vào chuỗi cung ứng là các doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Da giày, Cơ khí, Nhựa- cao su, Điện tử. Ngoài 1 công ty sản xuất sản phẩm giầy xuất khẩu thực hiện xuất khẩu trực tiếp, không cung ứng cho FDI trong nước.
Văn Quý