Hydogen xanh từ năng lượng tái tạo
Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch năng lượng quốc gia) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023.
Quy hoạch năng lượng quốc gia bao gồm các phân ngành: dầu khí, than, điện, năng lượng mới và tái tạo với các nhiệm vụ từ điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò, khai thác, sản xuất, tồn trữ, phân phối đến sử dụng và các hoạt động khác có liên quan.
Nhấn mạnh đến vai trò của năng lượng hydrogen trong dài hạn, Quy hoạch năng lượng quốc gia đã đưa ra mục tiêu phát triển năng lượng hydrogen trong các mục tiêu chính: Phát triển sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất sản xuất hydrogen xanhkhoảng 100-200 nghìn tấn/năm. Định hướng đến năm 2050, quy mô công suất sản xuất hydrogen xanh khoảng 10-20 triệu tấn/năm.
Đối với năng lượng hydrogen, Quy hoạch năng lượng quốc gia đề xuất phát triển của các dạng năng lượng tái tạo bao gồm nhiên liệu sinh học, hydrogen, amoniac và các nhiên liệu tổng hợp có nguồn gốc từ hydrogen sử dụng trong sản xuất điện, giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), công nghiệp (thép, hóa chất, lọc dầu, công nghiệp khác... ), tòa nhà dân dụng và thương mại nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng và từng bước phi các-bon hóa nền kinh tế. Xây dựng lộ trình công nghệ cho sản xuất và sử dụng nhiên liệu hydrogen và các nhiên liệu có nguồn gốc từ hydrogen.
Trong số các loại năng lượng hydroden, hydrogen xanh (hay hydrogen khử các-bon) là nguồn sạch nhất. Hydro được sản xuất bằng công nghệ điện phân nước sử dụng nguồn điện từ năng lượng tái tạo, không phát thải khí CO2.
Đắt đỏ, tốn kém nhưng sạch
Ở Việt Nam, hydrogen đang được sản xuất chủ yếu là từ quá trình lọc hóa dầu và sản xuất phân đạm để phục vụ cho chính hoạt động của các ngành công nghiệp này nhằm loại bỏ lưu huỳnh và các tạp chất N, O, kim loại... ra khỏi các dòng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm, khử xúc tác các oxide kim loại hoạt động, hoặc no hóa các hợp chất chưa bão hòa (hydrogen hóa). Hydrogen này được gọi là hydrogen xám và hydrogen nâu.
Hydrogen xanh được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo chưa được sản xuất và sử dụng tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương tại dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen, có thể nói, chuỗi giá trị hydrogen hoàn chỉnh chưa được hình thành tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn này. Vì vậy, khi đưa hydrogen xanh vào sản xuất, việc phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng và chuỗi giá trị hydrogen là vấn đề cần được quan tâm.
Một số dự án sản xuất hydrogen xanh đã được đề xuất khác như: Dự án đầu tư Thăng Long Wind 2 (TLW2) sản xuất hydrogen từ điện phân nước biển phục vụ xuất khẩu tại khu vực dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long (mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận) với quy mô 2.000MW, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, dự kiến triển khai từ 2022 đến 2030.
Dự án Nhà máy sản xuất khí hydrogen xanh Trà Vinh tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh theo công nghệ điện phân kiềm, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Âu. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 3/2023.
Dự án Nhà máy sản xuất hydrogen xanh Bến Tre - Công ty TNHH TGS Green Hydro (thành viên Tập đoàn The Green Solutions) làm chủ đầu tư.
Một số tập đoàn khác cũng bắt đầu có những trao đổi bước đầu trong nghiên cứu, đầu tư dự án Hydrogen như TTVN Group, tập đoàn SK.
"Hiện tại, hydrogen xanh và dẫn xuất của nó là một giải pháp hướng tới giảm phát thải khí nhà kính mặc dù chưa được sản xuất và sử dụng ở Việt Nam. Hầu như các lĩnh vực kinh tế như sản xuất công nghiệp, giao thông có tiềm năng chuyển đổi sang sử dụng loại năng lượng không phát thải này. Tuy nhiên, trên thực tế, hydrogen xanh chưa bắt đầu được sản xuất, sử dụng và phát triển", Bộ Công Thương nhận xét.
Việt Nam trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng không ngừng gia tăng trong khi nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt; do đó, cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai để đạt được mục tiêu “kép” đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
"Hydrogen xanh với vai trò trong việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, tích trữ, phân phối năng lượng quy mô lớn cũng như giảm phát thải KNK trong các lĩnh vực khó khử các-bon như giao thông vận tải đường dài, sản xuất công nghiệp nặng,... có thể sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc bảo đảm mục tiêu kép an ninh năng lượng và phát triển bền vững", Bộ Công Thương chia sẻ.
Trình bày tại một hội thảo hồi tháng 7/2023, TS. Trần Khánh Việt Dũng, Giám đốc Hydrogene de France tại Việt Nam, cho rằng: Với tiềm năng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, với công nghệ, hỗ trợ tài chính (thông qua JETP của Cộng hoà Pháp, EU) và sự định hướng đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương, Việt Nam có thể trở thành quốc gia hàng đầu về sản xuất, sử dụng hydrogen xanh cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việt Nam sẽ là nơi sản xuất, trung chuyển hydrogen xanh trong khu vực và trên thế giới trong tương lai gần.