"Đây là ngày tốt đẹp cho Thụy Điển, Phần Lan và cho toàn thể khối NATO. Với tập hợp của 32 quốc gia, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn và người dân của chúng ta sẽ an toàn hơn khi đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất trong nhiều thập kỷ", ông Stoltenberg ra tuyên bố chung với Ngoại trưởng Thụy Điển và Phần Lan.

Trước đó, vào ngày 29/6, các nhà lãnh đạo NATO đã ra tuyên bố chung từ hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, Tây Ban Nha, mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập sau khi toàn bộ liên minh đạt đồng thuận về việc kết nạp hai nước Bắc Âu. Quốc hội mỗi nước thành viên sẽ cần phê duyệt quyết định mở rộng NATO và quy trình này không giống nhau ở từng nước. Quá trình này thường mất 8-12 tháng.

Một cuộc họp của khối NATO

Có thể nói, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã phần nào thúc đẩy tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển diễn ra sớm hơn. Giới phân tích cho rằng, đây là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trong cục diện an ninh châu Âu sau nhiều thập kỷ.

NATO tuyên bố, việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối sẽ khiến khu vực châu Âu - Đại Tây Dương "trở nên an toàn hơn". Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson từng nói rằng, lời mời gia nhập chính thức của NATO không chỉ tốt cho an ninh nước này, mà còn cho cả liên minh quân sự châu Âu- Đại Tây Dương.

Trên thực tế, việc gia nhập của hai quốc gia trên sẽ mở rộng đáng kể biên giới của NATO với Nga, đưa vấn đề cạnh tranh địa chính trị lên một mức cao mới.

Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành “cách tay đắc lực” trong việc củng cố mạn sườn phía đông và hệ thống phòng thủ của NATO ở khu vực Bắc Âu, qua đó đóng góp vào sự mở rộng của liên minh quân sự này ở dọc biên giới với Nga.

Xét về mặt địa lý, Phần Lan là quốc gia có phần biên giới hơn 1.000km tiếp giáp với Nga, về phía tây giáp Thụy Điển với đường biên giới dài 586km. Chính vì thế, việc hai nước gia nhập NATO còn mở rộng đáng kể sự hiện diện của liên minh ở Biển Baltic và vòng Bắc Cực.

Bản đồ các nước thành viên NATO. Ảnh: CFR

Trang của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) đã đưa ra một bảng số liệu về khả năng đóng góp của Phần Lan và Thụy Điển vào sức mạnh quân sự của NATO. Bảng này được lấy từ nguồn Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, hiển thị con số cụ thể của tất cả nguồn lực từ quân số cho tới các loại vũ khí, khí tài của của Phần Lan và Thụy Điển.

Xét về tổng thể, Phần Lan có phần "nhỉnh" hơn Thụy Điển. Phần Lan sở hữu 19.250 lính tại ngũ, 238.000 quân dự bị, trong khi phía Thụy Điển lần lượt là 14.600 và 10.000. Tổng số xe tăng mà cả hai nước có khả năng đóng góp vào nguồn quân sự của NATO là 843 chiếc, CFR cũng nêu rõ con số này bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực và xe chiến đấu bộ binh.

Máy bay tiêm kích mà Phần Lan và Thụy Điển sẽ đóng góp là loại máy bay cánh cố định có khả năng chiến đấu với số lượng hơn 200 chiếc. Tuy nhiên, chỉ có Thụy Điển có khả năng cung cấp 5 tàu ngầm vào tổng nguồn lực này. Đối với hạng mục tàu tuần tra và tàu ven biển, Thụy Điển sở hữu 150 chiếc, nhiều hơn hẳn so với Phần Lan (20 chiếc).

Trang CFR cũng đưa ra nhận định, trong suốt 30 năm làm việc cùng với liên minh NATO, cả Phần Lan và Thụy Điển đều được các thành viên đánh giá là những đối tác an ninh tích cực và có tiềm lực. Cụ thể, hai quốc gia này từng tham gia Chương trình đối tác vì hòa bình do NATO đề xuất vào năm 1994. Đặc biệt, cả Phần Lan và Thụy Điển đều có đóng góp về nguồn lực cho NATO trong các hoạt động của liên minh này tại Afghanistan, Balkan và Iraq.

Nguồn lực quân sự của Phần Lan và Thuỵ Điển. Ảnh: CFR

Trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga diễn ra tại Ukraine, Nga từng chỉ trích nặng nề NATO về việc không giữ cam kết không mở rộng về phía Đông được đưa ra vào những năm 1990. Tuy nhiên mới đây vào ngày 29/6, Tổng thống Putin phát biểu rằng, việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ “không có mối đe doạ nào trực tiếp tới Nga”. Dù vậy, ông cũng cảnh báo, "nếu lực lượng và cơ sở hạ tầng quân sự được triển khai ở hai nước này, chúng tôi có nghĩa vụ phải phản ứng tương xứng”.

Trong khi đó, cựu lãnh đạo Carl Bildt của Thụy Điển cho rằng, việc các căn cứ quân sự mới được xây dựng ở một trong hai quốc gia nếu được gia nhập là không khả thi. Tuy nhiên, việc tham gia liên minh có thể là cơ hội để lập kế hoạch và huấn luyện quân sự chung giữa Phần Lan, Thụy Điển và 30 nước thành viên hiện tại, ông Bildt nói. Việc gia nhập chính thức cũng cho phép lực lượng của Thụy Điển và Phần Lan tham gia vào những hoạt động khác của NATO trên toàn cầu, như ở khu vực Baltic.

Một nguyên nhân khác nữa khiến hai nước này có động lực gia nhập vào NATO là ‘quyền lực’ của Điều 5 trong Hiệp ước NATO.  Điều 5 nêu rõ, cuộc tấn công vũ trang chống lại một thành viên của NATO sẽ bị xem là tấn công vào toàn bộ NATO. Cụ thể là việc việc đảm bảo nguồn lực liên minh bao gồm quân đội Mỹ có thể được huy động để bảo vệ bất cứ các quốc gia thành viên nào.

Như Quỳnh