Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 (Nghị quyết 120) của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH), tại nhiều địa phương trong vùng đã có những mô hình thuận thiên. Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự hưởng ứng của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương đang dần thay đổi theo hướng “thuận thiên”, định hướng cốt lõi của Nghị quyết 120.

{keywords}
Một góc Hậu Giang

Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 và ba lần tổ chức Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu. Việc ban hành Nghị quyết số 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.

Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong kiến tạo thúc đẩy, sự tích cực tham gia của doanh nghiệp cùng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của người dân vùng ĐBSCL và sự hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực, thiết lập những nền tảng quan trọng cho ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng, cất cánh trong thời gian tới.

Nhờ đó, sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Kết quả đầu tiên là Nghị quyết 120 đã tạo chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy phát triển Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng “thuận thiên.” Đó là chuyển đổi từ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lợi thủy sản sang phát triển dựa vào năng suất lao động, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó góp phần thay đổi toàn diện, coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất hiệu quả.

Việc phát triển theo hướng “thuận thiên” cũng đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm như lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản nước ngoạt, nước lợ, nước mặn.

Tiếp đó, Chương trình tổng thể của Nghị quyết 120 đã xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù cho vùng như thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lập nhiệm vụ quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long theo phương pháp tích hợp đa ngành với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín hàng đầu về lập quy hoạch; ưu tiên khuyến khích đầu tư tư nhân; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến tinh; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao…

Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long được coi là thể thống nhất, từ đó triển khai nhiều giải pháp, quy hoạch mang tính liên ngành, liên vùng như công tác quy hoạch, công tác dự báo, cảnh báo cho tổng thể vùng; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai trên phạm vi toàn vùng. Từ đó góp phần giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới theo hướng “phát triển nhưng không để ai ở lại phía sau.”

Minh chứng là trong các đợt hạn mặn năm 2020 đã triển khai xây dựng 10 điểm nguồn cấp nước khẩn cấp, cung cấp được cho 62.000 người ở 7 tỉnh chống hạn, mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng để các địa phương đầu tư, xây dựng thành các công trình cấp nước tập trung…

Từ các kết quả thực hiện Nghị quyết, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã xuất hiện nhiều mô hình, sáng kiến nổi bật như: Mô hình trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh tại tỉnh Kiên Giang; mô hình nuôi cá tra, mô hình nuôi tôm nước lợ, mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị của tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu;… Qua đó từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân có những thay đổi đáng kể.

Hồng Phúc