Rêu đá

Rêu đá là món ăn đặc sản ở vùng Tây Bắc. Đây là loại rêu thường bám vào các gờ đá nơi lòng suối. Rêu đá mọc theo mùa bắt đầu từ xuân hè, rêu ngon là rêu mọc dài thướt tha, sờ vào thấy mát rượi êm ái, chỉ cần lấy tay vợt nhẹ nhàng là thu hái được.

Đi hái rêu là một nét đẹp văn hóa của người Thái, khi một ngày đẹp trời cả bản nghỉ nương rẫy rủ nhau tới các bãi rêu như đi trảy hội. Với tâm ý, rêu là của đất trời, hái được nhiều sẽ có nhiều tài lộc nên ai cũng đi hái rêu để tích trữ.

{keywords}
Những món ăn được chế biến từ rêu đá thường được người Thái dùng trong những dịp đặc biệt như tiếp khách quý hoặc lễ Tết. Ảnh minh họa

Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó đơn giản nhất là canh rêu tươi (kinh tau). Rêu sau khi rũ hết cát sạn được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm, nêm gia vị vừa khéo, đến khi chín sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn. Rêu đá sau khi hái có thể bảo quản tươi được 2-3 ngày, người Thái cũng tích trữ rêu khô phơi gác bếp để ăn dần hay dùng trong các dịp trọng đại như: cưới hỏi, lên nhà mới hay dịp lễ Tết đầu năm.

{keywords}
Món rêu đá sau khi chế biến

Lá ngón Mường So (Lai Châu)

Từ muôn đời nay, ai cũng biết lá ngón là một thứ cực độc. Ấy thế nhưng ở Mường So (Lai Châu), người ta trồng lá ngón ngay trong vườn nhà để dùng như một món khoái khẩu, thậm chí là đặc sản không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết.

Người Thái trắng ở Mường So dùng lá và hoa của cây này để luộc, nấu canh hoặc làm các món xào thay rau rừng. Món ăn này dần trở nên phổ biến và quen thuộc trong những bữa cơm của dân bản. Đặc biệt, mâm cỗ ngày Tết của họ nếu không có món lá ngón thì coi như không đầy đủ, trọn vẹn.

{keywords}
Lá ngón ăn được tròn, ngắn hơn lá ngón độc và to như bàn tay. Ảnh minh họa

Thực khách lần đầu ngồi trước đĩa lá ngón không tránh khỏi cảm giác rờn rợn, chần chừ không muốn gắp. Nhưng khi đã được làm ấm người bởi những chén rượu ngô cay nồng, miếng lá ngón xào lại trở thành thứ đưa đẩy khiến mâm cơm có sức hấp dẫn lạ kỳ. Lá ngón xào có mùi vị ngọt bùi như rau rừng nhưng lại thơm, ngọt hơn. Nếu dùng lá ngón để gói thịt chua thì rất hợp và dậy mùi.

{keywords}
Mâm cỗ ngày Tết của người Thái ở Mường So nếu không có món lá ngón thì coi như không đầy đủ, trọn vẹn.

Trong lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu (lễ hội ẩm thực) của người Thái Mường So ngày xuân thì chắc chắn phải có lá ngón. Đây là dịp để người dân tạ ơn thần linh, ông bà, tổ tiên đã ban phúc cho một vụ mùa bội thu.

Nậm Pịa

Trong gia đình người Thái, món ăn này khá phổ biến và được dùng trong các dịp lễ tết hoặc thiết đãi bạn bè. Cái tên nậm pịa cũng bắt nguồn từ chính ngôn ngữ của người dân tộc nơi đây, trong đó “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là phần dịch (phân non) nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già. Người Thái chỉ lấy nậm pịa ở những con vật ăn cỏ như: trâu, bò, dê và cách lấy “pịa” cũng vô cũng tỉ mỉ, công phu. Theo đó, pịa được lấy ra ngay khi bộ lòng được mang ra khỏi bụng con vật và được bảo quản cận thận tránh ruồi nhặng.

{keywords}
“Nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là phần dịch (phân non) nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già

Nước dùng của nậm pịa là xương động vật được ninh nhừ trong nhiều giờ, cho đến khi đạt độ ngọt, béo ngậy thì người nấu mới đổ tất cả những nguyên liệu thịt, sụn và lục phủ ngũ tạng vào nồi ninh. Phần ruột non sẽ được cắt khúc ngắn, trộn cùng lá rau thơm, bột mắc khén, rau mùi tầu, tỏi, ớt...tất cả đều băm nhỏ rồi đun sôi, cho tới khi trở thành một hỗn hợp sền sệt, sóng sánh.

{keywords}
Nậm pịa được xếp vào dạng những món ăn kinh dị bậc nhất thế giới nhưng lại nổi bật bởi hương vị đặc trưng, khó lẫn. Ảnh minh họa

Nếu lần đầu tiên được thưởng thức nậm pịa chắc chắn nhiều người sẽ có cảm giác khó chịu, bởi món ăn này không hề bắt mắt và có mùi nồng của nội tạng động vật. Tuy nhiên, nếu cảm nhận kỹ thì món ăn này có hương vị rất đặc trưng, cuốn hút. Trong đó, vì đắng, thơm đặc trưng của các loại rau rừng, vị béo ngậy của nội tạng, ngọt bùi xương hòa quyền trọng vị cay nồng của hạt mắc khén sẽ khiến bạn không thể quên.

Thắng cố

Thắng cố là món ăn đặc sản có tuổi đời 200 năm, trước đây nó được xem là món ăn truyền thống của riêng người dân tộc H’Mông về sau được du nhập sang các dân tộc khác như: Kinh, Dao, Tày… Để nấu được một nồi thắng cố truyền thống cần đến 12 loại gia vị khác nhau bao gồm: thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng, và nhiều loại gia vị đặc biệt khác của dân tộc vùng cao. Trong đó, cây thắng cố chính là loại gia vị cuối cùng.

{keywords}
Món thắng cố là món ăn nổi tiếng ở vùng cao Tây Bắc

Thịt và nội tạng con vật được rửa sạch, luộc chín, ướp trước với các loại gia vị, sau đó thả vào nồi nước dùng có xương ngựa, nội tạng, tiết và 12 loại gia vị kể trên đã được đun sôi, rồi cứ thế ninh nhừ hàng tiếng đồng hồ cho ngấm đẫm gia vị. Khi ăn, người thưởng thức có thể thêm một chút ớt, tiêu hoặc muối.

{keywords}
Những nồi thắng cố ở các phiên chợ vùng cao thường rất lớn, đủ cho vài chục người ăn.

Thắng cố được người  dân tộc H’Mông nấu và thưởng thức trong những dịp đặc biệt như năm mới, thiết đãi khách quý,... Ngoài ra, ở các phiên chợ vùng cao, món ăn này cũng được bày bán như một đặc sản với những nồi cỡ lớn, đủ cho vài chục người ăn. Khi thưởng thức thắng cố, chảo thịt vẫn đặt trên bếp đun, ăn đến đâu múc bát ra đến đó, khi ăn có thể cho thêm chút ớt xào vùng cao để thêm vị cay nồng hấp dẫn. Một bát thắng cố có giá khá rẻ chỉ dao động từ 30.000-80.000 đồng/bát, thơm ngon, dậy vị và bốc khói nghi ngút. Người dân tộc vùng cao thường có thói quen dậy sớm đi chợ, vào hàng ăn bát thắng cố, nhấp chén rượu ngô và cùng nhau nói chuyện rôm rả.

Món cá nhảy tanh tách trong cổ họng ở Sơn La

Món ăn tuy đơn giản nhưng rất kén người ăn. Điểm khác biệt của món ăn này chính là ở cách ăn rất lạ lùng: Cá phải còn sống, được chế biến và ăn ngay tại bàn.

Cá dùng để chế biến món “cá nhảy” phải được nuôi ở ao tự nhiên hoặc bắt ở suối nguồn, cách xa khu dân cư. Cá bắt về phải còn sống, chọn những con cá bé, có kích thước lớn nhất là bằng ngón tay cái của người lớn, thả vào chậu nước muối sạch, để cá tự bơi và tiết hết những thứ bẩn ở trong người. Sau đó mang cá ra rửa lại bằng nước muối nhạt lần nữa là đạt yêu cầu.

{keywords}
Điểm khác biệt của món ăn này chính là ở cách ăn rất lạ lùng: Cá phải còn sống, được chế biến và ăn ngay tại bàn.

Điểm đặc sắc nhất của món ăn này chính là các gia vị đi kèm. Theo đó, cá được ăn kèm với lõi chuối tươi, rau thơm (mùi, húng, thì là, kinh giới…), các loại gia vị mắm, muối, mỳ chính, tỏi, ớt và đặc biệt là không thể thiếu hạt mắc khén (gia vị đặc biệt của người Thái). Tất cả phải được băm nhỏ tạo thành một hỗn hợp ăn kèm có độ chua, cay, nồng, ngọt và mùi thơm đặc trưng.

Khi ăn, người ta thường bắt cá từ chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi thả nhanh vào hỗn hợp ăn kèm. Mỗi người ăn dùng một chiếc thìa nhỏ xúc cá kèm theo lõi chuối và nước chua đưa lên miệng thưởng thức.

Món cá nhảy khá phổ biến trong những gia đình người Thái ở Sơn La, đặc biệt là những khi có khách quý và trong những dịp lễ Tết, gặp mặt anh em, bạn bè.

(Theo Dân trí)