Tờ India Express đưa tin, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ngày 23/6 đã chủ trì cuộc họp ngoại trưởng 3 bên Nga - Trung - Ấn, cơ hội đầu tiên cho hai người đồng cấp của ông, S Jaishankar từ Ấn Độ và Vương Nghị từ Trung Quốc đối diện nhau qua video.

Hai ông Jaishankar và Vương Nghị từng có cuộc điện đàm gay gắt ngày 17/6 về cuộc đụng độ chết người ở thung lũng Galwan, biên giới tranh chấp 2 hôm trước đó.

{keywords}
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Twitter/ @narendramodi)

Ngày 24/6, Moscow chủ trì cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà.

Sau vụ xô xát, Đại sứ Ấn Độ tại Nga D Bala Venkatesh Varma đã có cuộc hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov của nước chủ nhà. "Các quan chức đã bàn về an ninh khu vực, các diễn biến ở Đường Kiểm soát Thực tế trên biên giới Trung - Ấn thuộc dãy Himalaya", một thông cáo ngắn của Bộ Ngoại giao Nga cho biết sau đó.

Và trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ lên án nhau gay gắt thì sự tiếp cận qua Moscow là rất giá trị.

Nga và Trung Quốc đã phát triển các quan hệ song phương trong nhiều năm qua. Trục Moscow - Bắc Kinh là rất quan trọng, đặc biệt kể từ khi Washington đối đầu với Trung Quốc thời gian gần đây. New Delhi tin rằng cách tiếp cận của các nước phương Tây, đặc biệt là của Mỹ hướng tới Moscow và Bắc Kinh, đã khiến hai nước càng xích lại gần nhau hơn.

Ấn Độ cũng có mối quan hệ lịch sử với Nga, trải dài qua 7 thập niên và phát triển mạnh ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt về quốc phòng, dù chủ trương là đa dạng hóa nguồn cung, Delhi vẫn mua sắm phần lớn thiết bị từ Nga, với ước tính vào khoảng 60-70%.

Về phía Ấn Độ, Thủ tướng Modi đã tổ chức các hội nghị không chính thức với hai nhà lãnh đạo - Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin.

Theo India Express, Ấn Độ tìm đến Nga vì tin rằng Moscow có ảnh hưởng để khiến Bắc Kinh thay đổi lập trường về vấn đề biên giới. Và lần này, khi căng thẳng ở biên giới Trung - Ấn tăng cao, Bộ trưởng Quốc phòng Singh sẽ bàn bạc nguồn cung và mua thêm các hệ thống phòng thủ mới - có thể là hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 - với các đại diện cấp cao của quân đội và Chính phủ Nga.

Cuộc gặp của bộ ba ngoại trưởng Nga - Trung - Ấn ngày 23/6 là cơ hội đầu tiên để hai ông Jaishankar và Vương Nghị tham gia vào một khuôn khổ ba bên. Tuần trước, khi được hỏi về khả năng bàn bạc về căng thẳng Trung - Ấn, Ngoại trưởng Nga Lavrov bày tỏ: "Nghị trình sẽ không bao gồm việc bàn bạc các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương của một thành viên khác trong khuôn khổ này".

Về các sự kiện ở thung lũng Galwan, Moscow đã phản ứng một cách rất chừng mực. Ngày 17/6, Đại sứ Nga Kudashev viết trên Twitter: "Chúng tôi chào mừng các bước đi nhằm xuống thang căng thẳng ở LAC, bao gồm đối thoại giữa hai ngoại trưởng và duy trì lạc quan".

Theo hãng tin Nga TASS, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Putin nói Kremlin đang lo ngại về một cuộc đụng độ quân sự ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhưng tin hai bên có thể tự giải quyết vấn đề.

"Chắc chắn, chúng tôi đang theo dõi với sự chú ý cao độ những gì đang xảy ra ở biên giới Trung - Ấn. Chúng tôi tin đây là một thông tin báo động. Nhưng chúng tôi tin hai nước đủ khả năng có những bước đi cần thiết để ngăn chặn những tình huống như vậy trong tương lai, đồng thời để đảm bảo tính có thể dự đoán và ổn định trong khu vực. Và đây là một vùng an toàn cho các nước, trước hết là Trung Quốc và Ấn Độ".

Thanh Hảo

Căng thẳng leo thang, Ấn Độ ngưng các thỏa thuận hợp tác với TQ

Căng thẳng leo thang, Ấn Độ ngưng các thỏa thuận hợp tác với TQ

Nhà chức trách Ấn Độ đã tạm dừng các thỏa thuận trị giá tới hơn 600 triệu USD với các công ty Trung Quốc.

Xuất hiện video mới về đụng độ quân Trung - Ấn ở biên giới

Xuất hiện video mới về đụng độ quân Trung - Ấn ở biên giới

Trên mạng xã hội đang lan truyền các đoạn video mới quay cảnh quân Trung Quốc và Ấn Độ ẩu đả trong một cuộc đụng độ bạo lực ở khu vực tranh chấp ở biên giới hai nước.