Lời tòa soạn:
Một trong những đổi mới hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ chính là công tác dân nguyện. Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, hàng tháng Ban Dân nguyện sẽ tập hợp các kiến nghị, phản ánh của cử tri cũng như những vụ việc nổi cộm để báo cáo Ủy ban Thường vụ theo dõi, giám sát ngay. Việc này trước đây chỉ thực hiện theo định kỳ vào mỗi kỳ họp. Nhờ đó, tâm tư, nguyện vọng của cử tri được Ủy ban Thường vụ nắm bắt kịp thời. Nhiều vụ việc được giám sát, thúc đẩy các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời. Một trong những vụ việc điển hình về hiệu quả đổi mới công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ là vụ việc 43 năm lấy lại hai chữ “Liệt sĩ” và tấm bằng “Tổ quốc ghi công” đối với quân nhân Trần Đình Thi.

Ông Trần Văn Sắc, em trai quân nhân Trần Đình Thi bắt đầu câu chuyện về hành trình của người mẹ 93 tuổi, người dành nửa cuộc đời để “tìm lại tên cho con".

Cụ Nguyễn Thị Mùi nhìn ảnh mộ phần quân nhân Trần Đình Thi, nhớ về người con trai 19 tuổi của 43 năm về trước

“Em nó đi bộ đội được 1 năm thì hy sinh. Từ đó đến nay đã hơn 40 năm em nó vẫn chưa được về nhà. Lúc nào tôi cũng nhớ em”, cụ Nguyễn Thị Mùi, mẹ đẻ quân nhân Trần Đình Thi ngậm ngùi nhớ về người con trai 19 tuổi của 43 năm về trước mà cụ vẫn gọi với cái tên thân thương: "Em nó".

Ngậm ngùi 2 tiếng “Tử sĩ”

Quân nhân Trần Đình Thi sinh năm 1959, tại xóm Chăn Nuôi, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), là con trai cả trong gia đình. Tháng 5/1978, anh lên đường nhập ngũ khi tròn 19 tuổi, đóng quân tại Đại đội 4, tiểu đoàn 2, Ban Chỉ huy quân sự huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. 

Cuối năm 1979, gia đình nhận được giấy báo tin và chứng nhận ghi ngày 30/10/1979 với nội dung: “Đồng chí Trần Đình Thi đã chết vào ngày 27/2/1979 tại Bằng Khẩu, Ngân Sơn, Cao Bằng trong trường hợp “Tự ý bỏ nhiệm vụ về phía sau địch bắn chết”. Được xác nhận là Tử sĩ, đơn vị mai táng tại Bằng Khẩu, Ngân Sơn, Cao Bằng”.

“Sau khi nhận được thông tin này, cả gia đình tôi, nhất là bố mẹ tôi rất đau buồn. Đau buồn vì mất con và đau buồn vì phải sống trong tủi nhục khi có con “đảo ngũ” nhưng vẫn bị địch bắn chết”, ông Trần Văn Sắc nhớ lại những ngày tháng đã qua.

Tuy nhiên, những thông tin này lại chỉ dựa vào bản tự thuật sự việc của ông Nông Quốc Thái trên cơ sở cấp dưới cung cấp thông tin, có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng ghi ngày 20/10/1979. Ông Thái cũng là người tự thuật cho 2 trường hợp khác tương tự như quân nhân Trần Đình Thi và sau đó đã được minh oan. 

Vì vậy, trong suốt gần 43 năm, gia đình cụ Mùi càng có niềm tin để đi tìm kiếm sự thật cho con mình.

“Rất may, gia đình tôi liên lạc được với một số đồng đội đã chiến đấu cùng anh tôi. Trong đó có người đã khẳng định anh tôi hy sinh tại chiến trường Hà Quảng và được các đồng đội an táng tại đấy chứ không phải là Tử sĩ đảo ngũ”, ông Trần Văn Sắc kể.

Từ đó, gia đình cụ Mùi cùng với 2 đồng đội của quân nhân Trần Đình Thi đã làm đơn gửi lên Bộ Quốc phòng và Quân khu 1 để minh oan.

Đến ngày 15/5/2018, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Cao Bằng đã tổ chức đối thoại làm rõ trường hợp từ trần của quân nhân Trần Đình Thi. Các bên tại buổi đối thoại đã đi đến kết luận khẳng định “quân nhân Trần Đình Thi hy sinh ngày 17/2/1979 tại xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng và đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Hà Quảng”. 

Vì vậy, ngày 30/5/2018, Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng đã thu hồi giấy báo Tử sĩ ký ngày 30/10/1979. Trong đó nêu rõ lý do: “Bản tự thuật của ông Nông Quốc Thái một mình tự thuật, tự ký và kết luận về quân nhân Trần Đình Thi là không đúng bản chất của sự việc và không có giá trị về mặt pháp lý”.

Ngày 1/8/2018, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng đã ban hành văn bản xác nhận quân nhân Trần Đình Thi là Liệt sĩ.

Ông Trần Văn Sắc, em trai của quân nhân Trần Đình Thi. Ảnh: Thu Hằng

Ngày 5/11/2018, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên đã cấp giấy báo tử đối với quân nhân Trần Đình Thi với nội dung: “Đơn vị hy sinh huyện đội Hà Quảng; ngày hy sinh 17/2/1979, có mộ số 12, tầng I khu B, nghĩa trang liệt sĩ huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng”.

Ngày 24/4/2019, Cục Chính trị Quân khu I đã có văn bản gửi Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị kèm theo hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với quân nhân Trần Đình Thi. Sau đó, Tổng Cục Chính trị đã gửi hồ sơ đến Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH xem xét giải quyết. 

Đưa vào diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, giám sát

Tuy nhiên, trong mấy năm qua, đề nghị của gia đình cụ Mùi vẫn chưa được các cơ quan chức năng chấp thuận với lý do thiếu giấy tờ. Vì vậy, gia đình cụ Nguyễn Thị Mùi đã kêu cứu đến Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 7/7/2021, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận đơn của cụ Mùi. Sau khi xem xét đơn và nghiên cứu hồ sơ thấy đề nghị của gia đình cụ Mùi có cơ sở, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã chuyển đơn đến Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), Bộ Quốc phòng và thực hiện giám sát quá trình giải quyết.

Liên tục sau đó, Đoàn ĐBQH tỉnh nhiều lần nhận đơn thư, kiến nghị của gia đình cụ Mùi về vụ việc này. Ngay tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vào tháng 7/2021, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đưa vụ việc này ra thảo luận và nhận được sự quan tâm rất tích cực của các đại biểu trong đoàn.

Hiểu rõ nỗi khổ và bức xúc của gia đình cụ Mùi, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã chuyển đơn đến Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Từ đó, vụ việc đã được đưa vào diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, giám sát hàng tháng. 

Ngày 22/6/2022, Quân khu 1, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh Cao Bằng đã có báo cáo kết quả xác minh nhân chứng trong trường hợp từ trần của quân nhân Trần Đình Thi.

Kết quả đối thoại, xác minh cho thấy có 2 nhân chứng là ông Nông Quốc Thái và ông Hoàng Văn Pú cung cấp thông tin về trường hợp từ trần của quân nhân Trần Đình Thi trong biên bản tự thuật chỉ dựa trên báo cáo tổng hợp từ đơn vị cơ sở, không trực tiếp chứng kiến.

Nhân chứng khác là ông Nguyễn Văn Cương, nguyên chính trị viên Đại đội 4 trực tiếp quản lý, chỉ huy quân nhân Trần Đình Thi khẳng định ông Thi không chạy về phía sau, mà bị bắn chết trên đường từ tiểu đoàn về đại đội khi chiến sự xảy ra.

Khi nghe những thông tin này, gia đình cụ Mùi không khỏi vui mừng và xúc động: “Anh em chúng tôi còn sức, còn tuổi đề chờ đợi được chứ mẹ tôi năm nay đã 93 tuổi, gần đất xa trời, không còn thời gian để chờ đợi nữa rồi”.

Ông Trần Văn Sắc mong các cơ quan chức năng sớm công nhận Liệt sĩ cho anh trai mình và cấp Bằng Tổ quốc ghi công để gia đình, nhất là người mẹ già được yên lòng ở tuổi xế chiều.

Bài phát biểu xúc động của Thủ tướng về nhiệm vụ thiêng liêng, đặc biệt

Bài phát biểu xúc động của Thủ tướng về nhiệm vụ thiêng liêng, đặc biệt

Chiều ngày 25/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và làm việc với 3 cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ này.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thăm gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thăm gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

Nhân kỉ niệm 75 năm ngày Thương Binh - Liệt sĩ, bà Đào Hồng Lan - quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác tới thăm nhà bà Doãn Ngọc Trâm - mẹ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Chủ tịch nước: Triệu người ưu tú hy sinh để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do

Chủ tịch nước: Triệu người ưu tú hy sinh để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do

Trong suốt lịch sử “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” của dân tộc, hàng triệu người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, anh dũng hy sinh.