Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, quyết định cho triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money; sửa đổi, bổ sung các thông tư, hướng dẫn nghị định, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành quy định mở tài khoản thanh toán trực tuyến dựa trên định danh khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, ban hành áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán, QR Code, thẻ chip, các quy định và biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán và giao dịch thanh toán điện tử của các doanh nghiệp, người dân...
Đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng, chịu trách nhiệm triển khai các dịch vụ thanh toán với khách hàng. Hệ thống ngân hàng tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật thanh toán, bao gồm: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử, hệ thống các điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS); hệ thống máy giao dịch ngân hàng tự động (ATM); hệ thống giao dịch ngân hàng số; hệ thống giao dịch thanh toán bằng phương thức điện tử eKYC và sử dụng mã QR,... Kỹ thuật thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số hiện đại nhất nhưng phù hợp với thực tiễn các ngân hàng thương mại và nền kinh tế Việt Nam được chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng dịch vụ. Một số ngân hàng thương mại tiên phong ứng dụng công nghệ số trên thị trường dịch vụ ngân hàng về việc kết hợp công nghệ xác thực eKYC, dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phê duyệt yêu cầu mở thẻ tín dụng hạn mức cao của khách hàng, nên đã được thực hiện nhanh chóng mà vẫn có độ tin cậy cao.
Theo Thông tư số 16/2020/TT-NHNN, của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, ngày 19-8-2014, hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, việc mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử eKYC được quy định và áp dụng từ ngày 5-3-2021. Trước đó, một số ngân hàng thương mại đã từng bước thí điểm phương thức này trong năm 2020. Ứng dụng eKYC cũng là một bước tiến mới về công nghệ trong phát triển dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong nhiều năm qua, hệ thống thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số của các ngân hàng thương mại Việt Nam và tổ chức trung gian thanh toán ở Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, thuận tiện trong giao dịch đối với các doanh nghiệp và người dân. Hệ thống này bảo đảm kết nối liên thông giữa các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán, các ví điện tử, các đơn vị cung ứng dịch vụ công và các doanh nghiệp, các tổ chức bán hàng, cung ứng dịch vụ khác, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế số và bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán cũng tích cực nghiên cứu, đầu tư kết cấu nguồn lực tài chính vào phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật tối ưu, tích hợp kết nối các dịch vụ khác, như: viễn thông, y tế, bệnh viện, trường học, điện lực, nước sạch, thuế, hải quan, bảo hiểm, các dịch vụ công khác... trong nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại và tổ chức trung gian thanh toán cũng thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao sự trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng. Nhiều phương thức giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí đã ra đời với nhiều tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích to lớn và giá trị thiết thực cho khách hàng, cho các trung tâm thương mại, dịch vụ.
Kết quả triển khai các biện pháp nói trên được phản ánh qua số liệu tăng trưởng hằng năm khá cao về các dịch vụ thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Về thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam, như: Điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay đạt tốc độ tăng trưởng mạnh hằng năm, bình quân lên tới 90% về số lượng giao dịch và 150% về giá trị thanh toán. Nhiều ngân hàng thương mại đạt tốc độ tăng trưởng trên 90% giá trị giao dịch thanh toán điện tử được khách hàng thực hiện trên kênh số.
Trong trong 2 năm 2020 và năm 2021, các ngân hàng thương mại trong cả nước đã có những chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân, giảm bớt khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giảm từ 70% đến 100% phí chuyển mạch bù trừ điện tử, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công. Chỉ tính riêng trong năm 2021, tổng số tiền phí các ngân hàng thương mại đã giảm cho người dân khoảng 1.557 tỷ đồng. Nếu tính cả số phí thanh toán đã giảm trong năm 2020 thì tổng số tiền các ngân hàng thương mại đã giảm cho người dân đến nay lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 80% giá trị giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí.
Điểm quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, đó là thời gian qua đã hình thành hệ sinh thái thông minh, thanh toán số được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, như: Thuế, hải quan, điện lực, nước sạch, bưu chính viễn thông và các dịch vụ công khác, đem đến trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực cho người dùng dịch vụ trên không gian số, tiết kiệm chi phí tài chính và nhân lực, bộ máy cho các cơ quan và tổ chức.
Thực tế, hiện nay người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ và sau đó thanh toán hoàn toàn trên kênh số. Nhờ đó, hoạt động thanh toán không bị gián đoạn trong bối cảnh người tiêu dùng bị cách ly, giãn cách do đại dịch COVID-19. Dịch vụ này tiết kiệm thời gian và chi phí cho nền kinh tế, cho người dân và cho chính các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: điện lực, nước sạch, truyền hình cáp, thuê bao điện thoại, dịch vụ internet, thu phí giao thông đường cao tốc, hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng, siêu thị và trung tâm thương mại, thuế, hải quan, xử phạt vi phạm giao thông... thấy rõ lợi ích kinh tế, tiết kiệm nhân lực và tài chính cho thanh toán điện tử dựa trên công nghệ số. Tương tự, các trường đại học ứng dụng trong thu học phí của sinh viên, bệnh viện thu phí các dịch vụ khám, chữa bệnh, thuế và hải quan, dịch vụ công, xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ,... cũng thấy rất rõ những khoản tiết kiệm chi phí bộ máy, trụ sở và phương tiện làm việc, chi phí tài chính khác,... khi áp dụng thanh toán điện tử. Việc chi trả lương của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội qua hệ thống tài khoản, sử dụng thanh toán điện tử,... cho thấy rõ lợi ích của nền kinh tế, của xã hội và của người thụ hưởng.
Việt Dũng (tổng hợp), Đăng Tấn, Hà Sơn