Giải quyết sở hữu chéo là một thách thức lâu dài của hệ thống ngân hàng. Đây là việc phải kiên trì sau thời kỳ đầu 'sơ cứu' lo thanh khoản, nợ xấu, giải quyết các ngân hàng yếu kém...

Sáp nhập, hợp nhất: Chờ giai đoạn mới

Kể từ sau sự kiện PVFC hợp nhất với Western Bank thành PvcomBank vào nửa đầu tháng 9/2013, cả năm 2014 không có thêm vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng nào.

Đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank đang bị vướng ở cơ quan quản lý. Kế hoạch nhà đầu tư nước ngoài vào tham gia tái cơ cấu GPBank đã một năm qua vẫn chưa thấy đâu. Phương án PGBank về với Vietinbank cũng mờ mịt. Trong khi đó, việc tiếp tục xử lý 6-7 ngân hàng qua hình thức sáp nhập được nói đến nhiều đến nay cũng chỉ là dự kiến hay trong vòng giữ kín.

Việc tái cơ cấu khối ngân hàng thương mại nhà nước cũng đang ở bước khởi động và sẽ còn phải chờ các kết quả ở những năm tới. Đã hết năm 2014, sẽ chỉ còn đúng một năm nữa để thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống giai đoạn 2011-2015 nên sức ép cho toàn hệ thống sẽ ngày càng lớn hơn.

Nói về hoạt động năm 2014 của 9 ngân hàng yếu kém, trong đó có 8 đã hợp nhất, sáp nhập, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá, đến thời điểm này, tất cả các chỉ số tài chính đều tăng trưởng bền vững. Các chỉ tiêu lợi nhuận, tỷ lệ nợ xấu đều được kiểm soát theo đúng lộ trình của Đề án tái cấu trúc. 

{keywords}
Việc huy động vốn để xử lý nợ xấu là rất khó, trong khi lợi nhuận các ngân hàng không đủ để xử lý khối "ung nhọt" này

Tuy nhiên, không ít ý kiến còn lo ngại về những khó khăn thách thức phía trước. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, qua cuộc sáp nhập, hợp nhất tuy có tăng về quy mô nhưng đây chỉ là bài tính cộng thể hiện trên sổ sách, còn thực tế những hậu quả nặng nề của thời kỳ trước, những rủi ro của những ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu không thể một sớm, một chiều... hợp nhất, sáp nhập là giải quyết được ngay. Câu chuyện xử lý nợ xấu, tăng cường quản trị, nâng đáp ứng các tiêu chí an toàn sẽ còn cần rất nhiều thời gian.

'Sáp nhập giải quyết được sở hữu chéo giữa 2 ngân hàng. Tuy nhiên, còn những chồng chéo khác đang là thách thức cho cơ quan quản lý và hệ thống ngân hàng trong năm tới. Trong khi đó, nguy cơ nợ xấu vẫn chưa hẳn đã dứt', ông Kim nói.

Xử sở hữu chéo: Thách thức bản lĩnh

Theo các chuyên gia, giải quyết sở hữu chéo kéo dài sẽ là một trong những cản trở lớn nhất đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay. NHNN cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó giải pháp được kỳ vọng để xử lý triệt để sở hữu chéo là yêu cầu các tổ chức tín dụng trong liên minh tiến hành sáp nhập, hoặc hợp nhất. Mới đây nhất, Thông tư 36 được kỳ vọng sẽ khởi đầu cho một giai đoạn quyết liệt hơn trong xử lý sở hữu chéo.

Trong một phân tích khác, chuyên gia Phạm Nam Kim cho rằng, sở hữu chéo ngân hàng đã trở thành một "mạng nhện" chằng chịt đan xen. Với tất cả sự phức tạp và nhạy cảm, vấn đề này sẽ là thách thức lớn nhất đối với bản lĩnh nhà lãnh đạo trong năm tới.

{keywords}

Sở hữu chồng chéo dẫn đến hệ lụy: cho vay theo mối quan hệ, cho vay theo nhóm lợi ích và cách cho vay như vậy không đảm bảo hiệu quả và an toàn mà các tiêu chí này là thước đo hàng đầu của quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Việc các đại gia là chủ ngân hàng rồi lòng vòng cho vay các dự án của mình nên hiện không ít nợ xấu ở một số ngân hàng thuộc về chính các ông chủ ngân hàng. Và vì chính mình là chủ nên việc cố giấu hay khó xử lý nợ xấu là không hề dễ dàng vì đơn giản là không ai muốn "tự thú".

Trong khi đó, chủ trương giữ vững hệ thống, không để tổ chức tín dụng nào phá sản khiến cho mọi động thái đều phải tính toán thận trọng và tất nhiên đó là cái khó cho nhà quản lý khi muốn mạnh tay.

Nợ xấu còn phải trường kỳ

Theo báo cáo từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 9/2014 là 5,43% và có thể được đưa xuống còn 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cuộc chiến với "căn bệnh" nợ xấu vẫn còn rất cam go và đích còn xa. Ngân hàng Nhà nước đã đưa phương án thành lập công ty chuyên xử lý nợ. Hơn một năm qua, một khối lượng nợ xấu rất lớn đã được mua để giúp các ngân hàng làm sạch dần bảng tài sản của mình. Tuy nhiên, đầu ra cho những khối nợ này vẫn chưa dễ dàng khi còn vướng về thủ tục pháp lý và khó về điều kiện thị trường.

Đặc biệt, nếu như các nước khác muốn xử nợ xấu là chỉ có cách bỏ ngân sách, thêm vốn hoặc lấy lợi nhuận bù đắp. Nhưng trong điều Việt Nam, điều này là không thực tế. Vì thế, VAMC là một phương án sáng tạo phù hợp nhưng đường đi sẽ dài và vất vả hơn.

Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, nợ xấu không phải khởi nguồn từ các tổ chức tín dụng, mà sinh ra từ DN, từ đầu tư công. Trong khi đó, tiến độ tái cơ cấu hai trụ cột là DNNN và đầu tư công vẫn rất mờ nhạt, chưa kể món nợ khổng lồ của các DNNN, nợ đầu tư xây dựng các công trình sẽ lộ ra trong khoản vay nợ 1,5 triệu tỷ đồng.

Trần Thủy