Ưu điểm của điện toán đám mây trong hoạt động ngân hàng 

“Ngân hàng toàn diện” (inclusive banking) là khái niệm dần quen thuộc với ngành tài chính - ngân hàng trong khoảng 2 năm gần đây. Định nghĩa của sự “toàn diện”, theo Ngân hàng thế giới là: Cá nhân và doanh nghiệp, dù trong điều kiện và hoàn cảnh nào, đều tiếp cận được các sản phẩm và dịch vụ tài chính hiệu quả; bao gồm: giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm, theo một phương thức có trách nhiệm và bền vững. 

Để hướng tới “toàn diện”, ngành ngân hàng đang tự làm mới để linh hoạt, nhanh chóng hơn trong xây dựng, triển khai sản phẩm với chi phí tiết kiệm hơn mà vẫn đảm bảo các chuẩn mực quản trị, an toàn dữ liệu nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế. Hòa cùng xu thế chung, ngành ngân hàng Việt Nam hướng tới những giải pháp đột phá như “mở khoá” điện toán đám mây và mô hình xây dựng sản phẩm với SaaS (software as a service - phần mềm dưới dạng dịch vụ). 

Ứng dụng SaaS là hướng đi của nhiều ngân hàng trên thế giới

Theo phân tích của Diễn đàn kinh tế thế giới, điện toán đám mây và SaaS đem lại nhiều lợi ích cho ngân hàng. Trước hết, những công nghệ này cho phép ngân hàng xây dựng và tinh chỉnh sản phẩm nhanh chóng, dễ dàng thu hẹp hay mở rộng quy mô theo nhu cầu sử dụng. 

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi phần vận hành lõi “lên mây” còn giúp các ngân hàng giảm được các khoản chi tiêu tốn kém để duy trì hạ tầng vật lý. Tối ưu hoá chi phí vận hành giúp ngân hàng có thể cung cấp sản phẩm tài chính với chi phí hợp lý nhất, mang đến nhiều lợi ích hơn cho khách hàng; từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm nhiều nhóm khách hàng tiếp cận dịch vụ ngân hàng điện tử tiên tiến.

Khai thác điện toán đám mây trong ngành ngân hàng Việt Nam

Tại Việt Nam, xu hướng phát triển ngân hàng tiên tiến và toàn diện gắn kết chặt chẽ với chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, điện toán đám mây và SaaS đang là lựa chọn hàng đầu. Tuy vậy, theo các chuyên gia, những công nghệ này chỉ có thể phát huy toàn bộ sức mạnh khi ngân hàng cam kết chuyển đổi toàn diện, từ quy trình nội bộ đến giao diện khách hàng. 

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), điện toán đám mây và SaaS được triển khai đồng bộ và triệt để trong toàn bộ khâu vận hành: từ đào tạo, xây dựng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, giao diện API và kết nối các dịch vụ thành một hệ sinh thái theo mô hình “những mảnh ghép lego”. 

Theo Báo cáo tài chính của MB năm 2021, ngân hàng này sử dụng nền tảng đám mây riêng biệt, đảm bảo sự đồng bộ hoá dữ liệu và tính linh hoạt nhất quán cho toàn bộ các công ty thành viên. MB cũng hợp tác với nhiều nhà cung cấp công nghệ điện toán đám mây tại Việt Nam và quốc tế, mà mới nhất là Software AG - công ty công nghệ đám mây hàng đầu tại Đức và lọt top 10 thế giới. “Bắt tay” với Software AG, MB hướng đến cung cấp các dịch vụ trực tuyến tốc độ cao cho khách hàng với chi phí vận hành giảm đến 30% so với trước đây.

MB ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất lúa gạo quy mô lớn

Bên cạnh các lợi ích thương mại, ứng dụng điện toán đám mây và SaaS cũng giúp MB hướng đến các chuẩn mực ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong phát triển tổ chức và ưu tiên hơn cho những khoản đầu tư có giá trị phát triển cộng đồng. Cụ thể, bằng những ưu điểm về chi phí, tính linh hoạt và quản trị dữ liệu đồng nhất do công nghệ mang lại, MB có thể mở rộng các tiện ích cho những cộng đồng thường chịu thiệt thòi khi cần tiếp cận nhu cầu vốn vay như: các SME, các hợp tác xã nông nghiệp và các nông hộ nhỏ. 

Tháng 7/2022, MB ký kết hợp tác với UBND tỉnh Kiên Giang để góp phần phát triển chiến lược toàn diện lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, MB đóng vai trò nhà cung cấp tín dụng lên đến 12 ngàn tỷ đồng cho nông dân tham gia liên kết sản xuất lúa trên diện tích lên đến 300.000ha; ứng dụng chuyển đổi số cho nông dân bao gồm hỗ trợ các gói tín dụng ưu đãi, xây dựng nền tảng thanh toán không tiền mặt cho nông dân và các HTX; tạo điều kiện để truy xuất nguồn gốc lúa gạo, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của thị trường thế giới…

Với mục tiêu nhất quán trở thành “Ngân hàng thuận tiện nhất” từ năm 2017 cùng tư duy đặt khách hàng làm trọng tâm, sau 5 năm không ngừng cải tiến, MB vừa “hái quả ngọt” về chuyển đổi số khi 3 giải pháp ngân hàng số được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022 (Vietnam Digital Awards 2022). Các sản phẩm của MB ghi dấu tại 3 hạng mục; trong đó nền tảng đầu tư tài chính Wealth Management và giải pháp ngân hàng số cho doanh nghiệp Wealth Management đạt giải “Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu”. 

Ứng dụng thiện nguyện ra đời giúp các hoạt động gây quỹ được minh bạch

MB cũng được vinh danh “Sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng” với ứng dụng “Thiện Nguyện”. Ra mắt vào tháng 9/2021, đến nay, ứng dụng “Thiện Nguyện” đang giúp kết nối nhiều hoạt động gây quỹ và các khoản quyên góp của cộng đồng theo tiêu chí minh bạch.

Các chuyên gia đánh giá, những nỗ lực của MB và các ngân hàng dẫn đầu Việt Nam trong việc khai thác sức mạnh từ điện toán đám mây sẽ đóng góp tích cực, thúc đẩy sự phát triển bền vững ở mọi khu vực và cộng đồng trên cả nước.

Doãn Phong