Người này tự giới thiệu làm việc cho ngân hàng C, thuộc một tập đoàn ngân hàng quốc tế hàng đầu ASEAN. Anh giải thích: "Nếu chị mang đô la Mỹ tới gửi ở chi nhánh ngân hàng em, lãi suất vẫn là 0% theo quy định. Nhưng bọn em sẽ làm thủ tục để chị có thể thế chấp sổ tiết kiệm rồi vay ra 85% giá trị tài khoản, bằng đồng Việt Nam, với mức lãi suất 4-5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Sau đó chị đem gửi cho các ngân hàng trong nước với lãi suất 7-8%, như vậy là vừa giữ được ngoại tệ, lại vừa hưởng lãi suất 3-4%".
Ngân hàng ngoại tìm cách thu hút tiền gửi đô la bằng cách cầm cố sổ tiết kiệm và cho vay tiền Việt lãi suất thấp. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thông thường, theo các quy định liên quan, khách hàng vay tiền bằng cách cầm cố sổ tiết kiệm phải có phương án sử dụng vốn vay. Nhưng nhân viên ngân hàng C quả quyết: "Chị yên tâm, bên em sẽ làm đầy đủ hồ sơ có phương án kinh doanh cho chị. Việc của chị chỉ là... ký tên".
Như vậy, bằng việc hợp thức hóa phương án sử dụng vốn vay và cho vay tiền đồng với lãi suất thấp, ngân hàng ngoại nói trên đang cố gắng "lách" các quy định của pháp luật để thu hút tiền gửi ngoại tệ.
Từ đầu tháng 9, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam về việc cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay. Tuy vậy, hoạt động này hiện vẫn tiếp diễn, không chỉ với khoản gửi bằng ngoại tệ, mà cả tiền đồng tại một số tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Biểu lãi suất cho vay cầm cố sổ tiết kiệm ngoại tệ của một chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. |
Tương tự, hoạt động cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn mà không cần chứng minh mục đích vay cũng diễn ra ở các ngân hàng trong nước, chỉ khác ở chỗ ngân hàng "nội" nếu thế chấp bằng sổ tiết kiệm ngoại tệ thì không được hưởng lãi suất cạnh tranh và phải chịu thêm 2,5% biên độ, vì vậy không có lợi cho người gửi tiền.
Đối với tiền đồng, khi khách hàng cần tiền nhưng sổ kiết kiệm chưa đến thời gian tất toán, nếu rút trước hạn thì khoản gửi chỉ còn nhận lãi suất không kỳ hạn (khoảng dưới 1%/năm), khách hàng có thể thế chấp sổ để vay vốn. Và như vậy khách hàng vẫn giữ được mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng hay một năm, sau khi trừ lãi vay vẫn cao hơn so với lãi suất không kỳ hạn rất nhiều.
Tuy vậy, để vay được khoản vốn này, ngân hàng cũng "lách luật", làm ra các hợp đồng vay vốn kinh doanh, và mặc nhiên khách hàng phải ký tên vào hợp đồng vay vốn trở thành "chủ hộ kinh doanh nhỏ".
Như vậy, trên thực tế, nhiều ngân hàng bằng nhiều hình thức đang "lách" quy định nói trên của NHNN bằng nhiều sản phẩm, cho dù hoạt động này đã được đại diện Cơ quan thanh tra giám sát, NHNN cảnh báo từ đầu tháng 9. Theo NHNNN các ngân hàng đang cho vay hình thức này đã cung cấp vốn cho khách hàng không có phương án sử dụng vốn theo quy định trong Thông tư 39/2016/TT-NHNN, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, việc các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay lãi suất thấp, rồi gợi ý khách hàng đem tiền gửi các ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất là "hoạt động kinh doanh tiền tệ trái pháp luật". Ông Minh cho rằng cách làm này khiến cho vốn tín dụng đã không đi vào sản xuất kinh doanh, mà còn đẩy tín dụng của ngân hàng tăng trưởng "ảo". Vì vậy, việc NHNN phải tìm hiểu, thanh tra xử lý là rất cần thiết.
Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, hoạt động như trên vẫn diễn ra khá nhiều tại các ngân hàng. Việc này sẽ khiến tổng tài sản các ngân hàng tăng không thực chất. Nếu ngân hàng cố ý lơ quy định khi cho vay phải chứng minh phương án vay vốn thì hệ quả là nguồn vốn đang không quay vòng trong nền kinh tế, mà đang quay vòng trong hệ thống ngân hàng. Thực chất việc kiểm soát hoạt động cầm cố sổ tiết kiệm để cho vay theo vị này là không dễ dàng, vì trong hàng ngàn khoản cho vay, không thể biết được khoản nào có phương án kinh doanh khả thi, khoản nào không nên việc "lách luật" là không khó.
"NHNN phải mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm soát phương án vay vốn, vì hiện tại nhiều ngân hàng đang phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 9-10%, tạo cơ hội tăng lợi nhuận cho những người vừa muốn giữ ngoại tệ, vừa muốn hưởng lãi suất cao, nên hoạt động "lách luật" này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới", vị phó tổng giám đốc ngân hàng nói trên cho biết.
(Theo TBKTSG Online)