Theo văn bản chấp thuận, giao dịch dự kiến sẽ được thực hiện thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM trong năm 2024.
Nếu giao dịch thành công, GELEX sẽ nâng tỷ lệ sở hữu dự kiến đến mức 10% vốn điều lệ của Eximbank, trở thành cổ đông lớn của nhà băng này. Đây cũng là mức tỷ lệ mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Trước đó, đầu tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Eximbank thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Cụ thể, Eximbank sẽ phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương đương vốn điều lệ tăng thêm gần 1.219 tỷ đồng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ đạt 18.688 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, Eximbank lãi trước thuế 1.475 tỷ đồng. Dù mới hoàn thành 28% kế hoạch của cả năm nhưng bức tranh lợi nhuận của ngân hàng đã cho thấy sự khả quan khi lợi nhuận kinh doanh tăng dần theo từng quý.
Một số chỉ tiêu kinh doanh chính của Eximbank cũng cho thấy sự lạc quan, như tiền gửi khách hàng tăng 4,3% lên 163.051 tỷ đồng khi kết thúc quý II.
Trong khi đó, cho vay khách hàng tăng 8% so với cuối năm ngoái với lượng vốn cung ứng ra thị trường đạt 151.328 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng ở mức khá nhưng nhờ lãi suất huy động giảm mạnh so với cùng kỳ nên chi phí trả lãi huy động khách hàng giảm 37% xuống còn 1.708 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Eximbank đạt 211.999 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm ngoái.
Về GELEX, theo báo cáo tài chính bán niên vừa công bố, lũy kế 6 tháng đầu năm GELEX ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.910 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.770 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của GELEX tăng trưởng mạnh do đóng góp từ lợi nhuận tài chính từ việc hoàn tất một số giao dịch thoái các dự án năng lượng tái tạo cho đối tác Sembcorp.