Ngân hàng Quốc dân (NCB) vừa công bố Nghị quyết về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thông qua kế hoạch chuyển nhượng 203 triệu cổ phần Công ty Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - BAV).

Cụ thể, NCB sẽ chuyển nhượng 203 triệu cổ phần BAV, với giá chuyển nhượng bằng tổng toàn bộ nghĩa vụ nợ gốc và nợ lãi mà NCB đã thực hiện cấn trừ cộng với tiền lãi phát sinh tính từ thời điểm cấn trừ đến thời điểm bên mua thực hiện thanh toán với lãi suất bằng lãi suất tiền gửi VND bình quân của tổ chức kinh tế, cá nhân tính trên nợ gốc đã thực hiện cấn trừ. 

Thời hạn thanh toán theo thỏa thuận và do Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng NCB quyết định.

Hiện, Bamboo Airways có vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng, tương đương 1,85 tỷ cổ phần. Do vậy, số cổ phiếu mà NCB nắm giữ tương đương 11% vốn hiện tại của hãng hàng không này.

Được biết, số lượng cổ phần Bamboo Airways có nguồn gốc là một phần tài sản thế chấp của các khoản vay tại NCB. Giữa năm ngoái, HĐQT của NCB đã ban hành 2 nghị quyết về việc xử lý các tài sản đảm bảo này.

Không chỉ vay vốn NCB, trước đó, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và các cổ đông khác còn dùng cổ phần Bamboo Airways để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại nhiều ngân hàng khác như Sacombank, OCB.

ĐHCĐ bất thường hôm 10/4 của CTCP Hàng không Tre Việt vừa qua đã không thông qua kế hoạch phát hành cổ phần tăng vốn để hoán đổi nợ của Bamboo Airways.

Ngân hàng Quốc dân muốn bán 203 triệu cổ phần hàng không Bamboo Airways. (Ảnh: BAV)

Theo kế hoạch ban đầu, Bamboo Airways sẽ phát hành 772 triệu cổ phần để hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần theo thỏa thuận giữa chủ nợ với công ty. Đồng thời, Bamboo Airways sẽ phát hành 185 triệu cổ phần cho nhà đầu tư mới. Giá phát hành dự kiến cũng là 10.000 đồng/cổ phần. Tổng số cổ phần dự kiến phát hành là 957 triệu đơn vị, bằng 51,7% số cổ phần hiện nay.

Tuy nhiên, ĐHCĐ đã không thông qua cả 2 kế hoạch tăng vốn này. Cụ thể, 56,4% cổ đông Bamboo Airways không đồng ý chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm 9.570 tỷ đồng. 

Dù vậy, đại diện Hãng hàng không Bamboo Airways cho rằng kết quả này chưa ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của hãng.

Theo các cổ đông, cần có thêm thời gian để bổ sung thông tin, hoàn thiện phương án tăng vốn khả thi nhất cho Bamboo Airways. Sau khi hoàn thiện, phương án tăng vốn sẽ được trình ĐHCĐ thông qua tại cuộc họp gần nhất.

Bamboo Airways cho biết sẽ tổ chức cuộc họp ĐHCĐ bất thường lần thứ 2 vào ngày 9/5 tới đây.

Bamboo Airways gần hoà vốn, chiếm 18% thị phần nội địa

Tại ĐHCĐ hôm 10/4, Bamboo Airways cho biết, hãng hàng không này gần đạt điểm hòa vốn đối với mảng kinh doanh cốt lõi và chiếm 18% thị phần nội địa.

Hiện, Bamboo Airways khai thác hơn 40 đường bay nội địa, kết nối 22/22 cảng hàng không Việt Nam. Mạng bay quốc tế cũng được mở rộng với 14 đường bay thẳng quốc tế, kết nối nhiều sân bay cửa ngõ của châu Á, châu Úc, châu Âu,... Bamboo Airways đặt mục tiêu nâng quy mô đội bay lên 65 máy bay vào năm 2025.

Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi, Bamboo Airways đang xúc tiến xây dựng hệ sinh thái bổ trợ cho hàng không, mở rộng các doanh nghiệp trong lĩnh vực như cung ứng phục vụ mặt đất, hạ tầng kỹ thuật, cung ứng suất ăn, vận tải hàng hóa...

Hôm 17/3, Tập đoàn FLC đã thông qua chủ trương tiếp tục sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình gồm gần 155 triệu cổ phiếu Bamboo Airways và Dự án sân golf FLC Quảng Bình Golf Links để đảm bảo nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Hôm 16/3, Bamboo Airways cho biết, hãng đã tìm được nhà đầu tư mới thay cho nhóm liên quan cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Nhà đầu tư mới của hãng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm các nghĩa vụ thực hiện thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây. Các cổ đông cũ đã dùng cổ phần của hãng bay này để cầm cố, thế chấp tại ngân hàng.

Theo Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân, trong thời gian khó khăn, CTCP Him Lam (của ông Dương Công Minh) đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng.

Bamboo Airways đặt mục tiêu 30% thị phần nội địa và mở thêm các đường bay quốc tế.