Theo chân SME tìm vốn
Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát năm ngoái, Công ty Cổ phần Hanoi Foods Việt Nam - nơi cung ứng nhiều mặt hàng thực phẩm cho hàng nghìn siêu thị và đại lý trên toàn quốc, đã nhiều lần đối mặt với tình trạng thiếu vốn, dẫn tới hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Tuy nhiên, nhờ dịch vụ vay vốn và giải ngân online nhanh gọn của VPBank, Hanoi Foods đã được tiếp vốn, nhanh chóng quay lại sản xuất để hoàn thiện các đơn hàng theo đúng hẹn.
Ông Vũ Bá Định - Giám đốc Kinh doanh của Hanoi Foods đánh giá, dịch vụ giải ngân online tiện dụng, không rườm rà và đặc biệt rất dễ thực hiện. VPBank đã giúp công ty xử lý các vướng mắc liên quan tới dòng vốn và duy trì tốc độ phát triển ổn định.
Ông Định cho biết: “Hiện nay doanh nghiệp được VPBank cấp hạn mức lên tới 30 tỷ đồng, nhưng xu hướng tăng trưởng của công ty luôn đạt 300% nên luôn trong tình trạng cần vốn lưu động liên tục. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục được VPBank tạo điều kiện tiếp cận dòng tiền hơn nữa để mở rộng quy mô kinh doanh sau khi dịch bệnh kết thúc”.
Giống như trường hợp của Hanoi Foods, bà Lê Thị Thu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Aligro đã trải nghiệm dịch vụ vay vốn và giải ngân online của VPBank. Không cần rời khỏi cơ quan, bà Hiền vẫn có thể tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng từ những khoản vay nhỏ có giá trị vài chục triệu đồng qua nền tảng ngân hàng số dành cho doanh nghiệp. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và giãn cách kéo dài tại nhiều tỉnh thành vào năm ngoái, sản phẩm này đã phát huy được nhiều ưu điểm vượt trội.
Các SME nói trên chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp đã tiếp cận thành công nguồn vốn dành riêng cho đối tượng khách hành SME từ những ngân hàng như VPBank. Tuy nhiên, thực tế, tiếp cận nguồn vốn vay vẫn luôn là khó khăn của doanh nghiệp Việt, theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Khảo sát PCI 2021 chỉ ra gần 47% doanh nghiệp Việt Nam đã gặp trở ngại trong việc tìm kiếm nguồn vốn vay, trong đó không có tài sản thế chấp là nguyên nhân lớn nhất.
SME hiện chiếm khoảng 97 - 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Nhu cầu vay vốn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là SME rất lớn. Đáp ứng nhu cầu đó, các ngân hàng thương mại tham gia sâu rộng hơn vào thị trường vốn với các gói cho vay được thiết kế để phù hợp với yêu cầu và đặc thù của các SME.
Ngân hàng phát triển cùng SME
Thấu hiểu vai trò của các SME trong nền kinh tế và nhu cầu vốn khổng lồ của phân khúc khách hàng này, nhiều ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ cho vay SME, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Ví dụ, tại VPBank, chiến dịch tái định vị thương hiệu của ngân hàng này mới đây hướng đến chiến lược phát triển mới: lấy khách hàng làm trọng tâm và các SME là động lực tăng trưởng chính.
Từ đó, ngân hàng này đang không ngừng hoàn thiện hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp số tiên tiến, nhằm hỗ trợ cộng đồng SME trên cả nước khắc phục các khó khăn từ dịch Covid-19 như: vay thấu chi online, giải ngân online… Một số liệu thống kê của VPBank cho thấy, tới cuối năm 2021, đã có gần 10.000 doanh nghiệp SME sử dụng và phản hồi tích cực về chuỗi sản phẩm số hóa do VPBank SME giới thiệu.
Đại diện VPBank cho biết: “VPBank SME đang chiếm hữu 13% thị phần của thị trường với hơn 800.000 doanh nghiệp SME đang hoạt động tại Việt Nam. VPBank nói chung và khối VPBank SME nói riêng đã trở thành “điểm sáng” khi nằm trong nhóm các tổ chức tín dụng và khối kinh doanh có thị phần và mức tăng trưởng rất cao trên toàn hệ thống ngân hàng”.
Doãn Phong