Xu hướng ngân hàng xanh và hành động của Việt Nam

Mô hình ngân hàng xanh ra đời xuất phát từ nhu cầu ứng phó với các vấn đề về môi trường trên thế giới do ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư; góp phần lớn vào quá trình phát triển và chuyển dịch kinh tế để định hướng phát triển xanh và phát triển bền vững. Nhiều quốc gia ở giai đoạn phát triển sau đã khởi xướng mô hình ngân hàng xanh hướng tới tranh thủ lợi thế nâng cao uy tín trên thị trường như Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ... Từ kinh nghiệm của các quốc gia phương Tây, chính phủ nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới cũng đang ngày càng quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn đối với ngân hàng xanh.

Việt Nam thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó có nhiệm vụ của ngành ngân hàng.

Mục tiêu đối với ngành ngân hàng đến năm 2025: 100% ngân hàng xây dựng được bộ quy tắc về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; ít nhất 10 - 12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. 

Dự án Ngân hàng xanh tại VDB

Đại diện ngân hàng cho biết, với gần 15 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, VDB có bề dày kinh nghiệm trong việc cho vay các dự án, đặc biệt các dự án thuộc các lĩnh vực đầu tư xanh như: thủy điện, quang điện, phong điện, tiết kiệm năng lượng, trồng rừng, thủy lợi… Hiện nay, VDB đang thực hiện cho vay đối với 367 dự án thuộc lĩnh vực “xanh” với dư nợ là 53.201 tỷ đồng (chiếm 24% tổng dư nợ) từ hai nguồn vốn chính là vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước và vốn vay nước ngoài của Chính phủ. 

Danh mục các dự án thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB theo quy định tại Nghị định của Chính phủ qua các thời kỳ, được thay đổi theo xu hướng các dự án thuộc lĩnh vực “xanh” ngày càng được mở rộng và chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Theo đó, VDB tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách trong lĩnh vực tín dụng xanh như quy định về chính sách khách hàng, điều kiện tín dụng, tài sản bảo đảm, quản lý môi trường-xã hội… nhằm thu hút các dự án “xanh” có hiệu quả, hướng đến mục tiêu từ năm 2022 đến 2023, tỉ lệ dư nợ tín dụng xanh tăng từ 20-30% so với năm 2021; tới năm 2025 tỉ lệ dư nợ tín dụng xanh tại VDB tăng từ 50-80%.

VDB cũng đang tiếp tục xanh hóa hoạt động nội bộ, áp dụng tiêu chuẩn 3R: Reduce (giảm thiểu) - Reuse (tái sử dụng) - Recycle (tái chế). Trong đó, VDB nghiên cứu các biện pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng tại cơ quan như kiểm tra rà soát các thiết bị sử dụng nguồn năng lượng điện, nước và nguyên liệu giấy… Đồng thời, từng bước chuyển đổi các quy trình quản trị nội bộ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường…

Tháng 7/2021, Hội đồng Quỹ Khí hậu xanh (GCF) đã chính thức công nhận Ngân hàng Phát triển Việt Nam trở thành Cơ quan Thực hiện Quốc gia (NIE) của GCF. GCF là một trong những Quỹ tài chính khí hậu lớn nhất thế giới, được thành lập vào năm 2010 trong Khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu với mục tiêu tạo lập một quỹ trị giá 100 tỷ USD để hỗ trợ cho những hoạt động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Với vai trò là NIE của GCF, VDB sẽ thực hiện tìm kiếm, xây dựng và đệ trình các đề xuất cấp vốn của các chương trình, dự án thích ứng và giảm thiểu biến đối khí hậu đáp ứng được các tiêu chí của GCF và thực hiện giám sát, quản lý nguồn vốn từ quỹ này.

Ngày 30/9/2021, VDB và đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, VDB và UNDP hướng tới hợp tác để cùng huy động các nguồn tài trợ quốc tế trong đó bao gồm Quỹ Khí hậu xanh (GCF), Quỹ Hành động Giảm nhẹ Phù hợp Quốc gia (NAMAs) và các nguồn vốn quốc tế khác để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa VDB và UNDP có ý nghĩa quan trọng trong việc hai bên cùng chia sẻ sứ mệnh và nâng cao hiệu quả các nỗ lực phát triển của mình, đặc biệt trong bối cảnh VDB đã chính thức được GCF công nhận trở thành Cơ quan Thực hiện Quốc gia từ 01/7/2021 trong khi UNDP là một trong những tổ chức tiếp cận nguồn vốn GCF thành công nhất tại Việt Nam với 02 dự án đã được phê duyệt với tổng số vốn khoảng 60 triệu USD.

Đây là thành quả tốt đẹp cho sự cố gắng của VDB kiên định với mục tiêu trong bối cảnh hoạt động còn nhiều khó khăn, mở ra cơ hội mới cho VDB trong các hoạt động mang tầm quốc tế.

Hồng Hà