Nghe du khách thắc mắc tại sao tính giá cao hơn người địa phương, chủ quán cáu, bảo: "Dân du lịch mà còn tính toán, đã chấp nhận đi chơi thì phải chịu tốn kém chứ, có gì mà so bì".
Du lịch đến Lạng Sơn hầu như ai cũng đi chợ Đông Kinh - là trung tâm mua bán lớn nhất ở TP Lạng Sơn, nơi nổi tiếng về giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vị trí chợ Đông Kinh rất thuận tiện trong đi lại nhờ tiếp giáp với 4 trục đường Bà Triệu, Nguyễn Du, Phai Vệ, Nguyễn Tri Phương. Chợ có ba tầng, tầng một bán đồ điện tử, tầng hai bán hàng tạp hóa, tầng ba bán hàng thời trang.
Trên đường đến chợ Đông Kinh, nữ hướng dẫn viên du lịch đã nhắc du khách: "Đừng ngại mặc cả. Trả xuống nửa giá, ở đây người bán nói thách dữ lắm". Thế nên khi tới chợ Đông Kinh thấy nhiều ki-ốt bán đặc sản địa phương như rượu Mẫu Sơn, hồng Bảo Lâm, quýt Bắc Sơn, na Chi Lăng, bánh cao sằng,... nhiều du khách muốn mua nhưng không biết giá thực là bao nhiêu, cứ đứng thăm dò để xem người khác mua rồi mới trả giá, kỳ kèo rất lâu.
Chợ Đông Kinh |
Khách lên tầng một, muốn mua hàng điện tử rất đông. Mới đầu chưa ai mua, chỉ hỏi giá; tôi cũng không ngoại lệ. Nhìn chung các mặt hàng điện tử ở đây phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc, giá cả được người bán nói thách rất cao, người mua không có kinh nghiệm trả giá dễ bị "dính bẫy".
Tôi đang loay hoay nhìn trước ngó sau thì cô bán hàng mời mua máy nghe nhạc, giá 800.000 đồng. Biết gặp phải "thợ chém", mặc cả cho bõ ghét, tôi trả giá xuống còn 200.000 đồng, cứ nghĩ sẽ bị đuổi khéo nào ngờ người bán gật đầu. Gặp anh bạn đồng nghiệp cũng mua máy nghe nhạc giống tôi, giá 450.000 đồng. Khi biết giá tôi mua, anh bạn tặc lưỡi.
Ở tầng ba là thế giới của đủ loại quần áo, nhiều ki-ốt treo bảng "đại hạ giá". Thấy vậy chứ không phải vậy, đụng vào rồi mới biết. Một chiếc mũ vải màu xanh đậm, kiểu cách đơn giản, phủ lớp chống thấm bên ngoài, chủ hàng báo giá 250.000 đồng. Trong đoàn du lịch chúng tôi, nhiều người muốn mua hàng nhưng ngại trả giá, sợ bị thách giá cao và mua lầm vì đã được dặn trước.
Thật sự quần áo ở đây bán rẻ chứ không mắc, do chủ cửa hàng thách giá quá cao, người mua không khéo dễ bị hớ. Một chiếc áo khoác giả da, nhìn rất bắt mắt, người địa phương tới mua chỉ có 120.000 đồng. Ở đây, chủ hàng nhìn mặt người mua để ra giá, chỉ thách giá cao đối với du khách.
Thành ra chúng tôi đến chợ Đông Kinh để tận mắt thấy cái chợ truyền thống và nổi tiếng nơi cửa khẩu phía Bắc của Tổ quốc mà trước đây chỉ biết qua sách vở. Tôi quan sát thấy rất nhiều du khách đến chợ Đông Kinh chủ yếu để tham quan, mua hàng thì ít.
Dạo xong chúng tôi khoảng 15 người tập trung trước cổng chợ, uống nước mía. Bàn bên cạnh có hai người dân địa phương chạy xe ôm, cũng đang ngồi uống nước mía; uống xong chủ quán tính tiền 5.000 đồng/ly. Tới lượt chúng tôi, chủ quán lấy 10.000 đồng. Nghe tôi thắc mắc, chủ quán càm ràm: "Dân du lịch mà còn tính toán, đã chấp nhận đi chơi thì phải chịu tốn kém chứ, có gì mà so bì".
Nói thách quá cao có thể ảnh hưởng đến thương hiệu của chợ nói riêng và địa phương nói chung vì người đi trước sẽ lưu ý cho người đi sau, hướng dẫn viên nhắc nhở du khách, tiếng đồn dần sẽ lan truyền rộng ra, ai cũng đề phòng, ít nhiều cũng ảnh hưởng uy tín ngành du lịch trong nước.
Ai cũng biết, ở chợ phải có trả giá nhưng đừng nói thách quá cao, món hàng cần phù hợp với giá cả, thuận mua vừa bán. Cần lắm sự tuyên truyền vận động tiểu thương và người bán hàng niêm yết đúng giá các mặt hàng để người mua nhận biết, lựa chọn. Ban quản lý chợ có thể tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp thách giá quá cao, xây dựng website của chợ để niêm yết giá.
(Theo NLĐ)
Sự thật hàng ngàn con vịt quay mất lưỡi bán tràn chợ Hà Nội
Vịt quay là món ăn khoái khẩu của nhiều gia đình ở Hà Nội, song, không ít người thắc mắc tại sao những con vịt quay vàng ươm, da bóng dầu mỡ được quay tại chỗ lại không bao giờ có lưỡi.
Những khu chợ nổi tiếng không nên bỏ qua khi du lịch ở Việt Nam
Đây là những khu chợ nổi tiếng ở Việt Nam, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, mang trong mình những nét văn hóa độc đáo, du khách không nên bỏ qua.
Chợ Hà Nội: Làm sao 'thoát kiếp' người mua sợ bẩn, người bán sợ cháy
Nhằm khắc phục và tìm giải pháp cho vấn đề này, cùng với nỗ lực của thành phố còn cần đến sự hợp tác, đồng thuận của người dân, tiểu thương và doanh nghiệp.
Cảnh nhếch nhác, xuống cấp ở chợ Đồng Xuân
Hàng hoá bày kín lối đi, che lấp hộp cứu hoả, lối thoát hiểm, thang máy hỏng, thang bộ tróc lở là những gì đang tồn tại ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội).
Chuyện lạ Hải Dương: Phiên chợ duy nhất trong năm không mặc cả
Khi mua các mặt hàng thì người bán – người mua không mặc cả giá bao giờ mà tự ngầm quy định giá thành với ước vọng mua sự may mắn cho một năm thịnh vượng.