Chuyển đổi xanh đang trở thành kim chỉ nam trong định hướng sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề, doanh nghiệp. Đây là một trong những cam kết của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Xu hướng đẩy mạnh tiêu dùng xanh trên khắp thế giới đã làm thay đổi tư duy sản xuất, phân phối và thương mại. Giá trị của sản phẩm không chỉ còn chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá thành phù hợp mà còn phải thân thiện với môi trường. Do đó, xu hướng sử dụng bao bì xanh trở thành xu hướng toàn cầu.

Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, người tiêu dùng thậm chí đã bắt đầu gây áp lực lên các nhà sản xuất và thương hiệu không tuân theo cách tiếp cận bền vững hơn đối với bao bì sản phẩm khi mà rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn môi trường lớn thứ hai chỉ sau biến đổi khí hậu.

bao bi fb.jpg
Ngành bao bì hướng tới sản xuất xanh và phát triển bền vững 

Trong xu hướng sản xuất xanh, bền vững, ngành sản xuất bao bì phục vụ ngành đồ uống và thực phẩm Việt Nam cũng chịu áp lực không nhỏ.

Nếu trước đây bao bì chỉ cần bảo đảm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đa dạng thì nay bao bì phải đáp ứng thêm tiêu chí xanh, bền vững. Hơn nữa, cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất có hiệu lực vào tháng 1/2024 buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm với các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải.

Phát triển xanh ngành bao bì đang trở thành khía cạnh giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, quyết định bước tiến tiếp theo của doanh nghiệp. 

Nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường gắn với thực hiện kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải và tăng uy tín xã hội, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược sử dụng bao bì xanh.

Bao bì xanh là bao bì có chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, dễ dàng tiêu hủy trong thời gian ngắn. Đó là những sản phẩm không gây hại đến sức khỏe con người và không để lại hậu quả nghiêm trọng với môi trường sống. Những sản phẩm này phục vụ cho việc đóng gói, bảo quản thực phẩm, đựng mang đi phục vụ người tiêu dùng.

Chẳng hạn, để phát triển logistics xanh, doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng các bao bì làm từ vật liệu tái chế hoặc dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên. Ngoài ra, cũng có doanh nghiệp sử dụng pallet (gỗ, nhựa,...) để đặt sản phẩm thay vì sử dụng bao bì chiếm diện tích kho và ảnh hưởng đến mức độ xanh hóa.

Cùng với sản xuất xanh, ngành công nghiệp bao bì tại Việt Nam cũng hướng tới sự phát triển bền vững.

Với hơn 14.000 doanh nghiệp, ngành công nghiệp bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định. Tuy vậy, ngành này cũng gặp phải những thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bền vững…

Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam, nhận định ngành công nghiệp bao bì Việt Nam đối đầu nhiều thách thức, cần phải tăng sức cạnh tranh bằng quản lý hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng công nghiệp bao bì thành ngành công nghiệp xanh đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bền vững.

Trước tình hình đó, nhiều nhà sản xuất bao bì đang nỗ lực mạnh mẽ để sáng chế ra các công nghiệp, vật liệu và thiết kế mới tạo ít chất thải hơn, có khả năng tái chế cao, giá thành thấp và quy trình đơn giản hơn.

Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp bao bì có thể cải thiện tính bền vững về môi trường của mình bằng cách tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo, giảm thiểu dòng chất thải, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc tái chế. Tương tự, các doanh nghiệp có thể cải thiện tính bền vững về xã hội bằng cách nâng cao sự đa dạng, hòa nhập, phúc lợi công bằng cho nhân viên, đồng thời thúc đẩy hoạt động từ thiện và gắn kết với cộng đồng.

Nguyễn Hồng Hạnh, Đỗ Hồng Khanh, Nguyễn Trần Chung, Lê Thị Thúy