Doanh nghiệp FDI đang tự thay đổi để ‘xanh’ hơn

Những năm qua, kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng GDP và tạo ra phần lớn việc làm trong xã hội. Tổng cục Thống kê đánh giá đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Tổng cục Thống kê nhận định và cho rằng sang năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh.

Theo TS Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong vài năm trở lại đây, dòng vốn FDI đang dịch chuyển sang các ngành, nghề có giá trị gia tăng cao hơn trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên là công nghệ cao, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), chế tạo chế biến, công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp... và giảm dần ở một số ngành thâm dụng lao động.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng đã định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh hướng tới phát triển xanh và bền vững. Đơn cử, sự kiện Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn ở Bình Dương hay các sáng kiến giúp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, giảm tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của tập đoàn SCG đã cho thấy DN FDI ngày càng đảm bảo việc đầu tư dự án không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường địa phương.

Sản xuất ‘xanh’: Xu hướng bắt buộc

Lần đầu tiên được vinh danh trong danh sách 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu hàng đầu tại Việt Nam về tăng trưởng xanh, ông Piyapong Jriyasetapong, Tổng Giám đốc công ty TNHH SCG Việt Nam cho rằng: “Những thách thức gần đây từ đại dịch Covid-19, thiên tai đến biến đổi khí hậu, đòi hỏi DN phải chuyển đổi linh hoạt mô hình kinh doanh và nắm bắt xu hướng toàn cầu để vượt qua khó khăn, tạo ra những giá trị chung và nâng tầm chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.  Một trong những chuyển đổi nền tảng SCG đã thực hiện là khung chiến lược ESG 4 Plus đã triển khai từ năm 2021. SCG tin rằng đây là tiêu chuẩn hoạt động kinh doanh được đánh giá cao. Điều này, không chỉ giúp SCG giải quyết các thách thức, chiến lược này còn là yếu tố cốt lõi cho các hoạt động để thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng và môi trường.”

Dự án tổ hợp hoá dầu miền Nam tại xã đảo Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được ứng dụng những công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường.

Không còn là một khái niệm xa lạ đối với cộng đồng các DN FDI trên toàn thế giới, ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị minh bạch) là một trong những phương pháp được các DN áp dụng rộng rãi trong chiến lược hoạt động kinh doanh. Với tập đoàn SCG, chiến lược ESG 4 Plus được xây dựng với 4 lộ trình chính: “Hướng đến phát thải ròng bằng không (Set Net Zero) - Phát triển xanh (Go Green) - Giảm bất bình đẳng (Reduce Inequality) - Thúc đẩy sự hợp tác (Embrace Collaboration) đồng thời chú trọng quản trị minh bạch (Harnessing Good Governance).

Theo đại diện SCG, Chiến lược ESG 4 Plus sẽ được thực hiên bằng cách tích hợp kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm, cùng với sự đổi mới và ứng dụng công nghệ. Chiến lược này sẽ giúp loại bỏ các nguy cơ khủng hoảng, duy trì sự ổn định xã hội và giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu phát triển xanh và bền vững, tiếp tục đóng góp cho các cộng đồng địa phương tại Việt Nam.

Tại COP26, Việt Nam cũng đã cam kết đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030, giảm dần và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040, bảo vệ rừng. Để hiện thực hóa các cam kết mới nhất này, Việt Nam phải đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, cụ thể hóa các nội dung Chiến lược tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh theo hướng tạo tiền đề cho việc xây dựng “Lộ trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050”.

Nhiều địa phương cũng đã chuyển động để sẵn sàng thu hút FDI theo hướng ‘xanh hơn’. Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ: Thành phố đang từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng công nghệ lạc hậu trở thành khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động. TP.HCM cũng có những chuyển động trong phát triển hạ tầng, đề xuất chính sách phù hợp, tháo gỡ các nút thắt thể chế. Đây cũng là việc chuẩn bị hệ sinh thái cho làn sóng FDI xanh để đón các nhà đầu tư xanh đến với thành phố, phát triển một cách bền vững".

Mai Sơn

Vì sao sản phẩm “xanh” rộ lên rồi chết yểu?Những bó rau tươi được gói bằng lá chuối, ống hút cỏ bàng thay cho ống hút nhựa... các sản phẩm “xanh” này giờ đây gần như biến mất.