Báo cáo về thực trạng phát triển ngành tôm nước lợ của Cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, ước năm 2023 cả nước sản xuất được khoảng 30.000 con tôm thẻ chân trắng, sú bố mẹ; sản xuất và ương dưỡng được 153 tỷ con tôm giống nước lợ. Diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha, sản lượng ước đạt 1,12 triệu tấn, tăng 5,5% cùng kỳ 2022. 

Ngành thuỷ sản cũng đẩy mạnh xây dựng và số hoá cơ sở dữ liệu cho con tôm Việt Nam. Bởi, đây là nền tảng cơ sở để tính toán năng suất, sản lượng nhằm đưa ra các dự báo chính xác thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo đại diện Cục Thuỷ sản, hiện có 1.791 doanh nghiệp đã đăng ký tài khoản. Tính đến tháng 11/2023 đã tiếp nhận 36.856 mã sản phẩm gồm: sản phẩm nhập khẩu cập nhập trên phần mềm là 3.025 mã; sản phẩm sản xuất trong nước cập nhập trên phần mềm là 33.831 mã sản phẩm.

Việc cấp Giấy xác nhận đăng ký nuôi (mã số nhận diện) đối với đối tượng nuôi chủ lực theo quy định của Luật Thủy sản phục vụ công tác quản lý nhà nước (chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,…), truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thực hiện từ năm 2019 đến nay, phân cấp cho địa phương triển khai thực hiện đẩy mạnh thực hiện.

Kết quả triển khai cho đến nay có 80.120 cơ sở đăng ký cấp mã số, tăng 18% so với năm 2022 (61.792 cơ sở); cơ sở được cấp mã số là 60.440, tăng 15,6 %; cơ sở không đủ điều kiện để cấp mã số là 19.680.

W-nuoi-tom.jpg
Các cơ sở nuôi tôm đăng ký mã số vùng.

Địa phương triển khai cấp được Giấy chứng nhận đăng ký đối với cơ sở nuôi tôm nước lợ nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang 28.426/29.836 giấy (đạt 95,2%), đại diện Cục Thuỷ sản nhấn mạnh.

Ngoài xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành tôm, năm 2023 ngành thuỷ sản cũng đã thiết lập và duy trì hoạt động mạng lưới quan trắc môi trường phục vụ nuôi tôm từ trung ương đến địa phương. Hiện nay, 28/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt và triển khai công tác quan trắc môi trường phục vụ cho nuôi tôm nước lợ tại những vùng nuôi tôm trọng điểm thuộc quản lý của địa phương. 

Thông số, tần suất quan trắc được thực hiện định kỳ 2 lần/tháng, một số thời điểm thực hiện 4 lần/tháng hoặc tăng hơn tùy theo yêu cầu vào các thời gian giao mùa, mùa mưa lũ…. 

Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thuỷ sản cho biết, kết quả thực hiện quan trắc môi trường (QTMT) phục vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023 do Cục Thủy sản chủ trì được giao cho các Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, II, III và Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện. Các địa phương tổ chức triển khai quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường định kỳ tại các vùng nuôi tôm nước lợ theo kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương; kết quả đã chuyển tải đến cơ quan quản lý Trung ương, địa phương và người nuôi tôm nước lợ 96 bản tin. 

Cục Thủy sản đã ban hành các văn bản cảnh báo diễn biến môi trường vùng nuôi đối với cả 3 miền (nắng nóng, mưa lũ, áp thấp nhiệt đới...) và triển khai nhiều nội dung, hỗ trợ địa phương thực hiện tốt công tác QTMT phục vụ cho sản xuất nuôi trồng thuỷ sản nói chung và tôm nước lợ nói riêng.

Trong đó, hướng dẫn triển khai thực hiện cập nhập dữ liệu QTMT trên phần mềm cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường; ban hành “Sổ tay hướng dẫn tính toán chỉ số chất lượng nước (WQI) vùng nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ và mặn” làm căn cứ để triển khai hiệu quả công tác QTMT trong nuôi trồng thuỷ sản.

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ QTMT trong nuôi trồng thuỷ sản, kỹ năng tính toán chỉ số chất lượng nước (WQI) cho các cán bộ quản lý làm công tác môi trường tại địa phương; tổ chức 3 lớp tập huấn về quản lý chất lượng môi trường nước cho các cơ sở sản xuất và nuôi trồng.

Ngoài những kết quả đạt được kể trên, công tác QTMT phục vụ nuôi trồng thuỷ sản còn có những bất cập như: Hệ thống văn bản quản lý thiếu đồng bộ (về tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành, quy định về chất lượng nước cấp, nước thải trong nuôi trồng thuỷ sản chưa đầy đủ); thiếu nguồn lực cán bộ quan trắc môi trường tại địa phương chủ yếu kiêm nhiệm - thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị cũ, lạc hậu; kinh phí triển khai không đủ); vị trí quan trắc dạng điểm, tần suất quan trắc mỏng và cập nhật dữ liệu quan trắc của địa phương lên hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ…

Hiện, tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong năm 2024, dự báo biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề cần quan tâm giải quyết, việc sản xuất tôm thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là giải pháp cấp trong thời gian tới. Chi phí đầu tư vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với các nước.

Ông Luân cho rằng, thực hiện có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi.

Cùng với đó, cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng nuôi, hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.

Đắk Nông xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đaiĐắk Nông đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai tại các huyện Đắk R’Lấp, Đắk Mil và huyện Đắk Song. Hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai huyện Đắk R’lấp triển khai trên phần mềm VBDLIS.
Mỹ Hoà và nhóm PV, BTV