- Chia sẻ tại cuộc gặp mặt mang tính chất thân mật giữa những người làm toán và yêu toán, GS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đã có bài trình bày về ngành toán ở Việt Nam ngày nay với nhiều thông tin thú vị.

"Yếu toàn diện"

Theo GS Hoa, hiện nay, số giáo sư ngành toán học ở Việt Nam chỉ khoảng trên 80 người, trong đó chừng 10 người đã mất, nên hiện còn khoảng 70 người. Số phó giáo sư ngành toán là 300 người. Số lượng tiến sĩ khoảng 1.000 người.

Tuy nhiên, số lượng tiến sĩ được đào tạo chính quy về toán làm việc trong các trường ĐH chỉ chưa tới 400. "Trong khi số lượng trường ĐH, CĐ tại Việt Nam là hơn 400 trường thì đây là con số không thể thấp hơn được nữa".

{keywords}
GS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học. Ảnh: Lê Văn.

GS Hoa cũng nhận định đào tạo toán học đỉnh cao ở phổ thông khá tốt, song đào tạo toán ở các cấp bậc học sau đó thì còn chưa tốt, đặc biệt là trong các trường ĐH ở Việt Nam hiện rất yếu. Còn việc đào tạo sau tiến sĩ ngành toán ở Việt Nam gần như chưa có.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng của toán học ở Việt Nam còn kém. Số lượng người công bố các công trình quốc tế về toán học của Việt Nam cũng như số lượng bài báo công bố quốc tế của người Việt Nam chỉ tương đương với một trường ĐH tại Mỹ.

"So với thế giới, toán học ở Việt Nam cái gì cũng yếu chứ không phải chỉ ứng dụng toán. Nhiều người cứ nói ngành toán ở ta kém ứng dụng nhưng thực ra là yếu toàn diện" - GS Hoa nhận định.

Đầu vào ngành toán đại học quá thấp

Chia sẻ với GS Hoa, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng, hiện nay, người Việt không làm được hệ thống lớn, hay, ít lỗi, chạy nhanh, đáp ứng được các yêu cầu của người dùng thực chất là vì những người làm công nghệ thông tin của Việt Nam quá yếu toán.

Từ đó, theo ông Ngọc, cần phải đào tạo toán tốt hơn ở đại học, còn ở phổ thông thì chúng ta đang làm tốt, thậm chí còn hơi thừa.

{keywords}
Ông Bùi Quang Ngọc cho rằng, đào tào toán ở ĐH thiếu còn ở phổ thông thì hơi thừa. Ảnh: Lê Văn

Ông Ngọc dẫn chứng, có nhiều bài toán của con và cháu mình, ông vốn là dân chuyên toán từ cấp 2 và học cử nhân toán ở nước ngoài, nhưng cũng cắn bút đến 2 giờ đêm rồi đành phải viết vào giấy của chúng rằng: "Bố không làm được, đến hỏi cô".

"Nhiều bài toán từ cấp 2 tới cấp 3, tôi nghĩ đưa cho các vị ngồi đây cũng chưa chắc mọi người đã giải được trong 30 phút vì chẳng ai được luyện thi".

Chia sẻ thêm về việc đào tạo ngành toán ở ĐH, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT, cho biết hiện nay chỉ có một số trường đào tạo toán học cơ bản. Điều đáng báo động là đầu vào của ngành toán vào các trường hiện nay rất thấp.

Ông Tùng tiết lộ, hiện nay, ĐH FPT mở ngành đào tạo toán cơ bản, mỗi năm tuyển chỉ chừng 30 học sinh và đầu tư toàn bộ cho các em, ước tính, mỗi năm ĐH FPT sẽ phải chi ra khoảng 1 triệu USD.

Tuy nhiên, việc "lấp chỗ trống" trong đào tạo toán học cơ bản ở Việt Nam này của ĐH FPT, theo ông Tùng sẽ không thành công nếu như không giải quyết được khâu đầu vào. "Cái khó là làm thế nào để tuyển được các em giỏi. Không có đầu vào tốt là thành vấn đề"

Không ứng dụng được vì xã hội không có nhu cầu

Trao đổi ý kiến của GS Hoa về việc ngành toán của Việt Nam ứng dụng kém, GS Ngô Việt Trung cho rằng ngành toán của Việt Nam không ứng dụng được là vì xã hội hiện nay không có nhu cầu ứng dụng toán.

"Nền kinh tế hiện nay không thực sự lấy hiệu quả làm đầu thì làm thế nào ứng dụng được toán" - GS Trung nói.

"Ứng dụng toán thì chúng ta có thể thấy bất kỳ đâu. Chỉ cần mở chiếc điện thoại thông minh ra thì bất kỳ cái gì trong đó cũng là toán. Tuy nhiên, chúng ta hiện nay lại không cần đến toán".

Vì vậy, GS Trung cho rằng, một khi có nhu cầu thực sự thì toán học Việt Nam vẫn ứng dụng được.

{keywords}
GS Ngô Việt Trung cho rằng, toán Việt Nam ứng dụng kém vì nền kinh tế không tạo ra nhu cầu. Ảnh: Lê Văn.

Ông Lê Trường Tùng cũng đồng tình với GS Ngô Việt Trung, nhận định việc ứng dụng kém là "yếu cả về thị trường lẫn yếu từ phía đội ngũ những người làm toán".

Ông Tùng chia sẻ, theo cảm nhận của ông, thì những năm gần đây là thời kỳ có điều kiện rất thuận lợi cho toán phát triển, đặc biệt liên quan tới ứng dụng.

"Xã hội chuyển sang Cách mạng công nghiệp 4.0, hội tụ rất nhiều thứ tạo điều kiện cho rất nhiều công trình toán hầu như là lý thuyết thuần túy bắt đầu có chỗ ứng dụng, và đặt ra nhiều bài toán mới, nhiều chỗ trống cho những người làm toán" - ông Tùng khẳng định.

Lê Văn