Nhận thức về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh được nâng lên rõ rệt

Chiến lược và tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược thời kỳ 2011-2020) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 29/9/2012.

Qua 8 năm triển khai chiến lược, nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh.

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo đó, một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính của Chiến lược thời kỳ 2011-2020 đã đạt được kết quả khả quan như: các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường.

Cùng với đó, tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; dư nợ tín dụng xanh đạt gần 238 nghìn tỷ đồng năm 2018 (tăng 235% so với năm 2015).

Dự thảo chiến lược cho giai đoạn mới tập trung vào điều chỉnh, bổ sung 4 nội dung

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng dự thảo “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đó, dự thảo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra những mục tiêu, bao gồm các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể theo từng khía cạnh của tăng trưởng xanh như: giảm cường độ phát thải khí nhà kính; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong quá trình chuyển đổi xanh…

Dự thảo chiến lược tập trung vào điều chỉnh, bổ sung 4 nội dung. Thứ nhất, mở rộng độ bao phủ so với chiến lược cũ; bổ sung nhiều quan điểm, mục tiêu, nội dung mới so với chiến lược giai đoạn trước như: khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, văn hóa, y tế, giáo dục, bình đẳng trong tiếp cận cơ hội và thụ hưởng thành quả tăng trưởng... để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” là vừa đảm bảo tăng trưởng xanh, vừa thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và xây dựng xã hội Việt Nam nhân văn, không ai bị bỏ lại phía sau.

Tiếp theo, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của chiến lược mới được tính toán, đề xuất trên cơ sở nhiều phương pháp định lượng, kết hợp các mô hình kinh tế lượng, mô hình cân bằng tổng thể, các mô hình ngành trong xây dựng các kịch bản tăng trưởng xanh cho tổng thể nền kinh tế và từng ngành ưu tiên, phân tích chi phí - lợi ích và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của chiến lược. Đồng thời, cập nhật những yếu tố ảnh hưởng mới; đảm bảo tính đồng bộ và tương hỗ với các mục tiêu phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính.

Cùng với đó, kết cấu của chiến lược đã có sự điều chỉnh để hạn chế chồng chéo và tăng mức độ cụ thể, tạo thuận lợi cho tra cứu, triển khai, theo dõi và đánh giá. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều hành thực hiện chiến lược được đề xuất kiện toàn theo hướng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh ở Trung ương và Ban chỉ đạo tăng trưởng xanh ở cấp tỉnh.

Hằng Nga