Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, hết tháng 1/2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước đạt 3 tỷ USD, chỉ bằng 84,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính ước đạt 1,3 tỷ USD, bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2019. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2019 như gạo đạt 203 triệu USD (tăng 5,4%); rau đạt 50 triệu USD (tăng 17,2%).

Xuất khẩu thủy sản ước đạt 644 triệu USD, bằng 87,5%; xuất khẩu lâm sản ước đạt 883 triệu USD, bằng 84,4%.

Về nhập khẩu, tính đến hết tháng 1, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,7 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, thặng dư thương mại trong tháng đầu tiên của năm 2020 ước đạt 266,9 triệu USD, chỉ bằng 32,8% so với cùng kỳ năm trước.

{keywords}

Tháng 1/2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản giảm mạnh

Trong báo cáo, Bộ NN-PTNT cũng nhận định, năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, khiến sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản chủ lực đứng trước rủi ro. Chưa kể, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, các quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn ATTP ngày càng cao hơn.

Ngay từ đầu năm 2020, các tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, mưa đá, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt, kể từ đầu tháng 1/2020 đến nay, diễn biến bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra diễn biến phức tạp và đang lây lan nhanh tại Trung Quốc tác động đến hoạt động thương mại nông lâm thủy sản của Việt Nam với các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Thực tế, nhưng ngày gần đây, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này gần như tê liệt. Kéo theo đó, nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực dịp này đang rớt giá thảm như thanh long giảm còn 4.000-8.000 đồng/kg, dưa hấu giảm còn 1.000 đồng/kg, mít giảm còn 5.000-7.000 đồng/kg…

Chiều ngày 3/2 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã phải tổ chức họp khẩu bàn các giải pháp giải quyết tình trạng ứ đọng nông sản vì tác động từ dịch bệnh corona. Trong đó, Bộ này yêu cầu phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành Công Thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.

Tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.

Bảo Phương