Archimedes Patti là nhân chứng hiếm hoi khi được mời tham dự sự kiện lịch sử: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.
Từ người nông dân không biết chữ đi theo cách mạng, bác Tư Hoành (Nguyễn Văn Hoành) đã bảo vệ cho các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, tướng Trần Văn Trà. Bác đi với đoàn “anh Ba” ra Việt Bắc được gặp cụ Hồ, đi với “anh Sáu” sang hội nghị Paris, rồi giữ chức Phó cục trưởng Cục Quản trị - Văn phòng Trung ương Đảng.
Có không biết bao nhiêu kỷ niệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhưng bác vẫn nhớ như in những ngày Côn Đảo đón chào tin tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công và cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập.
Hội đồng tham chính của anh em tù nhân
Bác nói rằng, ngày ấy, khi giáo Quang (Đặng Quang Minh), một tù nhân sửa chữa máy ở Đài vô tuyến của đảo nghe được tin ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, liền nhanh chóng thông báo cho toàn đảo.
“Chính phủ lâm thời do cụ Hồ đứng đầu, có 15 vị. Khi anh đọc tên, tôi nhận ra có 3 thầy giáo trường tôi là Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Hòe. Nhưng tù nhân chúng tôi không ai biết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đoán có thể là cụ Nguyễn Ái Quốc vì đầu năm 1942, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương đã nói về cụ Nguyễn Ái Quốc”, bác Tư Hoành kể lại.
Rõ ràng cách mạng đã thắng lợi, niềm mong đợi đã đến. Đại biểu tù nhân đòi bọn cầm quyền trên đảo đưa anh em về đất liền. Nhưng họ trả lời chỉ nghe lệnh của chính phủ, không dám tự liệu giải quyết và dù có đồng ý cũng không có phương tiện vì tàu đã chìm, canô hỏng máy từ lâu.
Hai bên tạm chấp nhận giải pháp dung hòa là để anh em tù nhân tự do đi lại vào ban ngày, không bị giam cầm như trước nữa. Đồng thời lập Hội đồng tham chính gồm đại biểu nhà cầm quyền và anh em tù với số lượng mỗi bên 7 người để bàn bạc giải quyết mọi vấn đề của đảo.
Đại biểu của tù chính trị khi ấy có đồng chí Phạm Hùng, Võ Sĩ (Lê Văn Sĩ), Đặng Quang Minh, Phạm Hữu Lầu, bác Tư Hoành và vài anh em khác.
“Việc đầu tiên là chúng tôi cử cụ Tôn Đức Thắng và vài thợ máy sửa chữa chiếc canô để đưa người về đất liền xin ý kiến của chính quyền cách mạng. Tuy hội đồng lập ra nhưng không có hoạt động gì. Chỉ 7 anh em đại biểu tù chúng tôi họp mấy ngày đêm ở thư viện cũng là nhà khách của đảo để bàn chủ trương đối với bọn cầm quyền cũ, bàn đối sách nếu chúng lật.
Chúng tôi coi đảo đã thuộc về chính quyền cách mạng, nên phải có trách nhiệm quản lý. Cũng có ý kiến kêu gọi anh em khởi nghĩa cướp chính quyền đánh đổ bọn thống trị do Nhật dựng lên, nhưng xét thấy không cần thiết. Tuy vậy, dưới sự điều khiển của đồng chí Phạm Hùng, các cuộc tranh luận cũng khá gay gắt, kéo dài mới đi đến đồng thuận”, bác nhớ lại.
Đoàn ghe tàu sau đêm mưa to gió lớn
Trong khi các tù nhân đang nóng lòng chờ đợi, thì sau một đêm mưa to gió lớn, sáng 18/9, anh em tù bên Cỏ Ống chạy về báo tin có 1 chiếc tàu và mấy chục ghe lớn vào tránh gió, không biết là tàu ghe nào. Lúc này, Bác Tôn đã sửa xong máy canô, được cử sang xem tình hình. Thì ra đó là đoàn tàu ghe gần 30 chiếc do chính quyền cách mạng Nam Bộ tập hợp ra Côn Đảo đón anh em.
Đoàn do đồng chí Tưởng Dân Bảo, đảng viên Quốc dân đảng từng bị Pháp đày ra Côn Đảo, dẫn đầu. Những ngày ở đảo, anh đã được giác ngộ Cộng sản, nay thay mặt chính quyền cách mạng, ra đón đoàn tù nhân về đất liền. Bác Tôn liền cho người băng núi, theo đường tắt chạy về Côn Lôn báo tin mừng, để tổ chức đón đặc phái viên Chính phủ. Còn Bác điều khiển canô, dẫn đoàn tàu ghe về bến Côn Lôn.
Trưởng đảo cùng đám lính cai ngục vội theo anh em tù nhân xếp hàng đón tiếp phái đoàn cách mạng. Các vị tù cũ gặp Tưởng Dân Bảo mừng rỡ ôm nhau thân thiết. Trưởng đoàn Tưởng Dân Bảo tuyên bố nước nhà đã độc lập, tự do, anh thực hiện mệnh lệnh của chính phủ đón các nhà yêu nước về đất liền.
Sau mấy ngày sắp xếp, khẩn trương lập danh sách, tổ chức thành đội ngũ, tất cả anh em tù chính trị và một số công chức có cảm tình với cách mạng, những tù nhân thân Nhật chưa kịp về đều được về đất liền vào sáng sớm 23/9/1945.
Trong đoàn có tàu Phú Quốc chở khoảng 200 người, còn lại phân cho các ghe bầu, riêng Bác Tôn và một số anh em tự lái canô về Cần Thơ. Trên tàu Phú Quốc, tổ chức giao cho Phạm Hữu Lầu làm trưởng, bác Tư Hoành làm phó, lo chỗ ngồi, chỗ nằm cho người già yếu, lo trật tự và sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe cho người bị mệt.
Hôm ấy, bể lặng sóng yên, vào xế chiều đã tới vùng nước đục phù sa, anh Lầu bảo sắp đến đất liền rồi. Nói là sắp đến nhưng có lẽ cũng phải gần chục cây số mới vào cửa Đại Ngãi. Hoàng hôn, nắng vàng vẫn còn rực sáng, thấy ấp xã viền xanh chân trời. Đi nữa vào cửa sông, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trước cổng từng nhà.
“Chúng tôi trào dâng nước mắt. Đồng bào đứng đón đông nghẹt, vẫy tay, hoan hô đón chào. Các cô gái, chàng trai đón đỡ từng chiến sĩ vừa thoát ngục trần gian, dẫn vào đình Đại Ngãi. Hôm sau, một cuộc đón tiếp long trọng được tổ chức tại thị xã Sóc Trăng. Lại bước vào cuộc chiến đấu mới, bởi ngày 23/9, thực dân Pháp đã gây hấn ở Sài Gòn, khởi đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần nữa. Chúng tôi lên đường theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”, bác Tư Hoành kể.
Nguyễn Thị Thu (Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử công an)