Ngày 23/8/2006, Natascha Kampusch, 18 tuổi, người Áo rốt cuộc cũng tìm được cách trốn khỏi Wolfgang Priklopil, kẻ đã bắt cóc rồi giam cầm cô làm nô lệ tình dục suốt hơn 8 năm trước đó. Vụ việc không chỉ khiến nước Áo sốc nặng, mà còn gây rúng động toàn thế giới vì những tình tiết li kỳ, khó hiểu của nó.
Ngày 2/3/1998, Kampusch, lúc ấy mới 10 tuổi, bị Priklopil, một kỹ thuật viên máy tính 44 tuổi bắt cóc trên đường đi bộ từ nhà ở quận Donaustadt, thủ đô Vienna, Áo đến trường học. Do ở Áo hiếm khi xảy ra chuyện bắt cóc trẻ em, nên nhà chức trách địa phương đã xúc tiến một trong những chiến dịch tìm kiếm người mất tích lớn nhất trong lịch sử nước này.
Natascha Kampusch trước thời điểm bị bắt năm 1998. Ảnh: DW |
Một cô bé 12 tuổi nói đã nhìn thấy Kampusch bị một gã đàn ông lạ mặt đẩy vào một chiếc xe tải nhỏ màu trắng, có cửa kính toàn màu đen. Vì vậy, cảnh sát địa phương đã tiến hành khám xét tới 700 chiếc xe tải mini sơn trắng trên khắp cả nước, nhưng không thu được bất kỳ manh mối nào về Kampusch. Đáng nói, trong những phương tiện bị kiểm tra có cả xe của Priklopil, kẻ cư trú ở Strasshof an der Nordbahn, cách thủ đô Vienna khoảng một giờ lái xe.
Wolfgang Priklopil, thủ phạm bắt cóc Kampusch. Ảnh: BBC |
Priklopil khai với nhà chức trách rằng, hắn dùng xe để chở dụng cụ sửa nhà và khẳng định đang ở nhà riêng một mình vào ngày cô bé Kampusch biến mất. Cảnh sát đã tin lời Priklopil và không điều tra thêm, một phần vì hắn chưa từng có tiền án, tiền sự.
Do thủ phạm bắt cóc không ra mặt đòi tiền chuộc nên trong dư luận có nhiều giả thuyết cho rằng, Kampusch có thể đã trở thành nạn nhân của một kẻ ấu dâm. Một số ý kiến khác nghi ngờ, cô bé có thể bị một tổ chức mại dâm trẻ em hoặc chuyên bán nội tạng bắt cóc.
Vì Kampusch mang theo hộ chiếu cá nhân khi mất tích (em đã cùng gia đình đi du lịch Hungary vài ngày trước đó), nên cảnh sát Áo đã mở rộng phạm vi điều tra ra quốc tế. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của họ đều thất bại. Phải hơn 8 năm sau, vụ án mới được làm sáng tỏ khi Kampusch cuối cùng tìm được cách trốn khỏi sự giam cầm của Priklopil vào ngày 23/8/2006.
Thực tế, sau khi bắt cóc Kampusch, Priklopil đã giam giữ cô bé trong một căn hầm bí mật, chỉ rộng chừng 5m2 phía dưới nhà hắn. Đó là một căn phòng đặc biệt nằm dưới mặt đất 2,5 mét, không có cửa sổ và ánh sáng mặt trời. Cửa ra vào làm bằng thép, ẩn giấu đằng sau một tủ đựng chén bát.
Suốt 6 tháng cầm tù đầu tiên, Priklopil nhốt giữ Kampusch trong hầm cả ngày lẫn đêm. Về sau, hắn cho phép cô bé ban ngày lên nhà trên, nhưng ban đêm phải trở về phòng giam ngủ. Những lúc Priklopil vắng nhà, Kampusch không được ra khỏi nơi giam giữ.
Cận cảnh căn hầm Priklopil dùng để giam giữ Kampusch suốt hơn 8 năm. Ảnh: Telegraph |
Khoảng vài năm sau, căn phòng được nâng cấp tiện nghi hơn. Vào thời điểm cảnh sát đến khám xét nơi này sau khi Kampusch thoát khỏi "địa ngục", họ nhìn thấy trong phòng có tivi, bàn ghế, sách vở, quần áo, trò chơi và cả nước đóng chai. Có vẻ như Priklopil ngày càng tin tưởng Kampusch hơn, nên từ tháng 6/2005, hắn cho phép cô đi dạo trong vườn nhà, nhưng bị cấm tiếp xúc với người ngoài.
Từ tháng 2/2006, Kampusch thỉnh thoảng được phép ra khỏi nhà, tất nhiên luôn có Priklopil đi kèm và giám sát chặt chẽ. Có lần, hắn thậm chí đã đưa cô đi trượt tuyết. Theo Kampusch, cô từng cố chạy trốn vài lần nhưng thất bại. May mắn, cơ hội "vàng" rốt cuộc cũng đến với cô gái đáng thương vào ngày 23/8/2006, khi Priklopil mải nghe một cuộc điện thoại từ ai đó gọi đến, có vẻ như rất quan trọng và không để ý đến Kampusch.
"Priklopil hầu như theo sát tôi suốt ngày. Rất may, hôm đó, trong khi ông ấy ngồi xem tivi, thì điện thoại của ông ấy reo lên. Tôi đang hút bụi, nhưng vì máy hút bụi trục trặc nên tiếng ồn của nó hơi to, khiến Priklopil không thể nghe rõ cuộc nói chuyện và phải đứng lên đi chỗ khác. Tôi thấy cuộc gọi điện có vẻ rất quan trọng đối với Priklopil. Ông ấy bị cuốn hút vào đó và không để ý đến tôi. Nhân cơ hội này, tôi đã lẻn ra ngoài và trốn thoát", Kampusch kể lại hành trình cô trốn thoát khỏi "địa ngục" trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Trong lúc chạy trốn, Kampusch đã gõ cửa một ngôi nhà ven đường và nhờ bà chủ nhà 71 tuổi gọi điện báo cảnh sát. Nhà chức trách đã có mặt ngay lập tức và đưa cô về đồn cảnh sát Deutsch Wagram.
Kampusch chỉ nơi cô bị giam giữ. Ảnh: Daily Mail |
Cảnh sát mau chóng xác định, cô gái đích thực là Kampusch, lúc này 18 tuổi, qua một vết sẹo trên người, cuốn hộ chiếu tìm thấy trong căn hầm nhốt cô ở nhà Priklopil và kết quả xét nghiệm ADN. Khi bị bắt cóc năm 1998, Kampusch cân nặng 45kg. Sau 8 năm, cô chỉ cao thêm 18cm và nặng 48kg.
Kampusch cho biết, cô ăn uống rất thất thường trong suốt thời gian bị giam cầm. Cô thậm chí bị Priklopil biến thành nô lệ tình dục, bị hắn cưỡng hiếp hết ngày này qua ngày khác. Hắn thậm chí có lúc còn đánh đập dã man và bỏ đói cô.
Kampusch trong buổi ra mắt cuốn tự truyện của mình, nhan đề "3.096 ngày" năm 2010. Ảnh: The Sun |
Trong cuốn tự truyện phát hành tháng 9/2010 nhan đề "3.096 ngày", Kampusch kể từng bị xích với kẻ bắt cóc trong khi cả hai ngủ trên giường của hắn, bị ép cắt tóc và làm việc với tình trạng gần như khỏa thân.
Tuy nhiên, Kampusch thừa nhận, đôi khi Priklopil cũng đối xử ân cần với cô. Chẳng hạn như, có những buổi sáng, hắn đánh thức cô dậy để cùng ăn sáng. Hắn cũng mua sách báo, tivi để cô tự học. Sabine Freudenberger, nữ cảnh sát đầu tiên tiếp xúc với Kampusch, tỏ ra ngạc nhiên vì sự thông minh, vốn từ và hiểu biết của cô sau một thời gian dài bị nhốt giữ, cách ly với thế giới bên ngoài.
Khi hay tin Kampusch tẩu thoát, Priklopil đã lái xe chạy trốn cảnh sát. Khi đến một ga tàu ở ngoại ô phía bắc Vienna, hắn lao đầu vào tàu hỏa tự sát. Trước đó, hắn từng tuyên bố với Kampusch rằng, cảnh sát sẽ không bao giờ bắt được hắn lúc còn sống.
Kampusch trong cuộc phỏng vấn với CNN năm 2013.
Điều đáng nói, theo cảnh sát, khi biết kẻ gây tội ác với mình chọn cái chết đầy đau đớn, Kampusch đã khóc và đốt một cây nến tưởng niệm Priklopil tại nhà xác. Lý giải cho hành động này, cô gái cho biết, hắn dù sao cũng là "một phần" trong cuộc đời cô.
Trong những lần trả lời phỏng vấn truyền thông sau này, Kampusch đôi khi có ý minh oan cho Priklopil nếu có chi tiết nào theo cô là không đúng. Điều đó khiến một số người tin Kampusch mắc hội chứng Stockholm, nảy sinh tình cảm với kẻ đã bắt cóc mình. Song, Kampusch phủ nhận điều này.
Hơn chục năm trôi qua, Kampusch vẫn chưa quên được những ngày tháng tuổi thơ bị đánh cắp, bị cưỡng hiếp và tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 2016, Kampusch tiết lộ cô vẫn sống ở ngôi nhà của kẻ từng bắt cóc mình như một cách điều trị đặc biệt cho chứng bệnh tâm lý mắc phải sau này. Cô không muốn bán hay đốt ngôi nhà, vì sợ người ta sẽ biến nó thành một "công viên giải trí theo chủ đề". Hàng ngày, Kampusch vẫn lau dọn toàn bộ ngôi nhà như thời còn bị Priklopil nhốt giam làm nô lệ tình dục tại đây.
Tuấn Anh
Ngày này năm xưa: Vụ trộm tranh quý táo tợn nhất thế kỷ 20
Ngày 21/8/1911, bức họa Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci bị đánh cắp khỏi bảo tàng Louvre, Pháp. Đây được coi là vụ trộm tranh quý táo tợn nhất thế kỷ 20.
Ngày này năm xưa: Mỹ rải chất độc da cam ở Việt Nam
Ngày 10/8/1961 ghi dấu việc Mỹ bắt đầu rải chất độc da cam, một trong những hóa chất độc hại nhất với con người từng được biết đến, ở Việt Nam.
Ngày này năm xưa: Ám ảnh trận lụt khủng khiếp nhất thế kỷ 20
Ngày 18/8/1931, nước sông Dương Tử của Trung Quốc dâng cao đỉnh điểm, làm vỡ đê, góp phần gây ra thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất thế kỷ 20.
Ngày này năm xưa: Hàng loạt vụ nổ bí ẩn rúng động Nam Mỹ
Cách đây đúng 72 năm, 7 xe quân sự chở mìn đồng loạt phát nổ một cách bí ẩn ở Cali, Colombia, giết hại hơn 1.000 người và làm bị thương hàng ngàn người khác.
Ngày này năm xưa: Nhật ký chấn động về phát xít
Ngày 4/8/1944, do có chỉ điểm, Mật vụ Đức đã bắt giam gia đình Anne Frank tại nơi lẩn trốn ở Amsterdam, Hà Lan, rồi chuyển họ tới trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan.
Ngày này năm xưa: Châm ngòi chiến tranh Vùng Vịnh
Ngày 2/8/1990, Iraq bắt đầu tiến đánh Kuwait, châm ngòi nổ Chiến tranh Vùng Vịnh, cuộc xung đột lớn đầu tiên trên thế giới kể từ sau Chiến tranh Lạnh.