Theo kế hoạch tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là dịp để các dân tộc giao lưu, gặp gỡ, trao đổi và chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

anhlang1.jpg
Hơn 300 đồng bào tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Ảnh: Làng văn hoá).

300 đồng bào thuộc 54 dân tộc tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ có hơn 100 người của 16 dân tộc đang sinh sống hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đó là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào: Dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên); dân tộc Dao (Hà Nội); dân tộc Mông (Hà Giang); dân tộc Mường (Hòa Bình); dân tộc Lào, Khơ Mú, Thái (Sơn La); dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên - Huế); dân tộc Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum); dân tộc Raglai (Ninh Thuận); dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk); dân tộc Khmer (Sóc Trăng) và hơn 100 người là các dân tộc đến từ Sóc Trăng, Thanh Hóa, Đắk Lắk.

Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều thành tích đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc tại địa phương (ngày 18/4); Lễ báo công, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Nhà nước (ngày 19/4).

Đặc biệt, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam còn có những buổi trình diễn giới thiệu di sản, giới thiệu văn hóa các địa phương gồm: Ngày hội Văn hóa du lịch tỉnh Sóc Trăng; giới thiệu trình diễn Nghệ thuật đờn ca tài tử - Di sản văn hóa đại diện của nhân loại; chương trình Sắc màu cao nguyên Đắk Lắk với màn tái hiện lễ rước rể trong lễ cưới của dân tộc Ê Đê; không gian giới thiệu âm nhạc dân tộc Ê Đê, biểu diễn tiết mục dân ca dân vũ; không gian trình diễn cà phê Tây Nguyên...

Bên cạnh đó, chương trình Sắc màu văn hóa bản Dao gồm những hoạt động đặc sắc như: Tái hiện lễ cấp sắc của dân tộc Dao tỉnh Thanh Hóa; chương trình giới thiệu văn hóa dân tộc Dao qua tranh thờ và trang phục truyền thống của dân tộc Dao xứ Thanh.