Ngày về không thể gặp cha, mẹ cũng chẳng nhận ra con gái

Sau thời gian cách ly phòng dịch theo quy định, M.T. (24 tuổi) được Tổ chức trẻ em Rồng Xanh và Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đưa về nhà ở bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn sau 10 năm xa cách.

Ngày trở về, cô đã không thể gặp lại bố mình, mẹ cô cũng chẳng còn nhận ra con gái sau bao năm mong nhớ.

{keywords}
Bà Chích Thị L. ôm con gái ngày đoàn tụ.

Bao năm qua, dù bị bán nơi xứ người, cô vẫn luôn nhớ về căn nhà gỗ nhỏ nằm nép dưới chân núi và cứ ngỡ sẽ không còn cơ hội được đặt chân vào căn nhà thân yêu nữa.

Thấy cô gái trẻ chạy vào nhà gọi “Mẹ ơi” rồi ôm lấy mình khóc nức nở, bà Chích Thị L. (61 tuổi) ngơ ngác hỏi các cán bộ công an đang đứng xung quanh. Nghe mọi người nói “T. đã về rồi đó”, bà L. nhìn kỹ lại khuôn mặt trắng trẻo của cô gái trẻ tuổi mới dần nhận ra những đường nét trên khuôn mặt vẫn từa tựa như xưa.

“Về là tốt rồi”, bà L. nói rồi vỗ nhẹ động viên con gái. Giây phút này, cả hai mẹ con đã mòn mỏi trông chờ bao năm qua, song bố của T. đã không thể chờ đợi được giây phút đòan tụ này. Gần 1 năm trước, ông đã trút hơi thở cuối cùng khi ước nguyện lớn nhất của bản thân vẫn chưa thực hiện được.

Theo lời kể của nhà chức trách Nghệ An, 10 năm trước, khi đang ở tuổi 14, T. gói đồ vào miền Nam làm thuê kiếm tiền theo lời dụ của kẻ buôn người mà không hề biết. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, T. chỉ nghĩ đơn giản không học nữa thì đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ thay vì quanh quẩn bên nương rẫy.

Sau cái gật đầu ấy, T. bị đưa lên xe rồi trải qua hành trình vượt biên sang Trung Quốc. Khi biết mình bị lừa thì cô đã ở bên kia bên giới. Cô gái trẻ non nớt cố chống cự, van xin song chẳng thể thay đổi được số phận của mình.

Bị bán làm vợ cho một người đàn ông ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), T. bị quản lý chặt nên ý thức về bỏ trốn cũng dần tan biến. Ít tiếp xúc, cô dần quên tiếng mẹ đẻ. Cuối năm 2020, T. biết đến Tổ chức trẻ em Rồng Xanh và nhờ giúp đỡ. Không lâu sau đó, cô đã được tổ chức này giải cứu về với gia đình.

Ông Moong Văn Nam, Trưởng bản Lưu Thắng cho biết, khi T. mất tích bí ẩn, bố mẹ cô bé đã nhiều lần ra Bắc, vào Nam tìm kiếm song không có kết quả. Thời gian trôi qua không một tin tức gì, mọi người đều quên dần hình ảnh của T. Nuối tiếc nhất là ngày cô trở về, bố đã không còn trên cõi đời.

Vượt hoàn cảnh để làm lại cuộc đời

Chị Lữ Thị Tím (36 tuổi) sinh ra trong một gia đình nghèo tại bản Pủng, xã Mường Ải, huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Không được ăn học đầy đủ bởi từ nhỏ chị đã phải theo cha mẹ lên núi cao làm nương rẫy, vì vậy, chị khát khao có một cuộc sống no đủ, không phải chạy ăn từng bữa. Cũng vì ước mơ giản dị, đơn sơ đó mà chị bị những kẻ buôn người lừa bán sang Trung Quốc.

{keywords}
Lữ Thị Tím đã mất đi chính đôi chân của mình khi bỏ chạy khỏi những kẻ buôn người.

Theo lời kể của chị Tím, vào cuối tháng 12/2011, có một phụ nữ trong huyện đến nhà gặp và hứa sẽ tìm cho chị một công việc ổn định. Chị ta nói rằng khi có việc làm thì chị có thể gửi tiền giúp đỡ cho gia đình. Nghe vậy nên chị đã gật đầu đi theo.

Khi lên xe xuống đến TP. Vinh, người phụ nữ này đưa cho chị một cốc nước ngọt và bảo uống để chuẩn bị lên đường. Không ngờ sau khi uống xong thì chị mê mệt ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy mới biết mình bị đưa sang Trung Quốc lúc nào chẳng hay. Những ngày tháng sau đó, chị buộc phải làm vợ một người đàn ông bản địa không quen biết.

Không cam chịu số phận, chị Tím lợi dụng sơ hở bỏ chạy. Chẳng biết đường đi, chị cứ chạy một mạch với ý nghĩ chạy càng xa càng tốt. Định bụng giữa đường gặp ai đó sẽ cầu cứu nhưng càng chạy càng lạc vào rừng sâu. Giữa thời tiết băng giá, không tìm được ai cầu cứu, người phụ nữ này dần ngất lịm trong rừng. May mắn thay, có 2 cụ già người bản địa đi qua thấy chị nằm trong tuyết đã đưa về nhà. Tử thần không đánh gục được chị nhưng cũng vì thế chị mất đi đôi chân.

Sau nhiều năm sống cảnh tá túc ở xứ người, giữa năm 2017, chị may mắn được giải cứu về đoàn tụ với gia đình.

Những ngày đầu tiên trở về, chị rất tự ti bởi giờ đây chị đã bị cụt 2 chân chẳng còn làm được gì nữa. Thế nhưng, vòng tay ấm áp của cha mẹ đã dang rộng giúp chị thay đổi suy nghĩ, quyết tâm phải sống thật tốt.

Với nghị lực của mình, chị đã tìm được một công việc thích hợp không phải di chuyển nhiều là thêu áo váy thổ cẩm cho người Thái. Khéo tay cộng thêm sự chăm chỉ, mặt hàng của chị vừa làm ra là đã được đặt mua. Vì vậy, không những tự nuôi sống mình, mỗi tháng chị còn dư giả tích lũy một số tiền phòng những lúc ốm đau.

Ngoài ra, chị cũng quyết định trở thành ""diễn giả vì cộng đồng”. Chị lấy câu chuyện của mình đến khắp các bản minh chứng cho mọi người biết không có việc nhẹ lương cao nơi xứ người, để các chị em thôn bản không còn sập bẫy của những kẻ buôn người.

Mỗi lần Câu lạc bộ Phòng chống buôn bán người sinh hoạt, Hội Phụ nữ huyện đề nghị chị thuật lại chuyện “người thật, việc thật” của mình khi bị lừa bán. Câu chuyện của chị đã trở thành truyền kỳ và là tấm gương cho rất nhiều người là nạn nhân.

{keywords}
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Phòng chống buôn bán người.

Bà Vi Thị Quyên, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, qua nhiều lần làm diễn giả với cách kể chuyện súc tích và lôi cuốn, chị Lữ Thị Tím trở thành truyên truyền viên tích cực, là tấm gương cho các Câu lạc bộ trong việc truyên truyền phòng chống nạn buôn người trên địa bàn “nóng” vấn nạn này.

“Thực tế dẫn chứng của chị Tím góp phần nâng cao tầm nhận thức của chị em phụ nữ vùng cao, từ đó rất nhiều người đã không còn bị lừa gạt, làm giảm vụ án buôn bán người qua biên giới trên địa bàn”, bà Quyên nói.

Xuân Quý