kinh te bien hoang mai.jpg
Các ngư dân đã đầu tư, bám biển dài ngày, đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá thu, mực, cá hố, tôm....  (Ảnh minh hoạ)

Lợi thế về nuôi trồng thuỷ hải sản

Với đường bờ biển dài 18km cộng với nhiều diện tích ao hồ vùng mặn lợ gần cửa sông, cửa lạch…, là lợi thế để thị xã Hoàng Mai phát triển mạnh nghề nuôi, trồng thuỷ hải sản.

Hiện nay, các khu vực nuôi trồng thủy sản của thị xã được tập trung vào các đối tượng nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng, có giá trị kinh tế cao và liên quan chặt chẽ đến thị trường tiêu thụ, như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá mú, cá bớp, ốc.... 

Đồng thời, nuôi trồng thủy sản được triển khai theo hướng chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, bán thâm canh, hình thành các vùng nuôi tập trung ở các xã, phường ven biển. Phát triển các hình thức nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, môi trường và vệ sinh thực phẩm, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa lớn. 

Hiện, toàn thị xã có 900 ha thả nuôi thủy sản; trong đó có khoảng hơn 600ha diện tích nuôi mặn lợ và gần 300ha diện tích nuôi cá nước ngọt. 

Hiện trên địa bàn thị xã có  9 cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn, lợ. Trong đó, chủ yếu là sản xuất và ương giống tôm thẻ chân trắng và một số ít tôm sú. Thị xã đã hình thành khu sản xuất tôm giống tập trung trong đó có doanh nghiệp quy mô lớn, năng lực sản xuất lớn hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất giống thủy sản, như các trại giống tôm thẻ chân trắng ở xã Quỳnh Liên. Các cơ sở đã xuất bán 450 triệu pots tôm thẻ chân trắng và 92 triệu post giống tôm sú. Nguồn giống này đáp ứng đủ nhu cầu cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã và các vùng lân cận.

Tôm giống của Hoàng Mai được cung cấp đi nhiều tỉnh, thành và được đánh giá có chất lượng tốt. Vì vậy, trong những năm gần đây, các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn thị xã đã đầu tư sửa chữa, xây dựng khang trang về cơ sở vật chất, mở rộng qui mô sản xuất, chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại và đội ngũ kỹ thuật lành nghề, sản xuất tôm giống theo hướng có chất lượng cao, kháng bệnh, không sử dụng kháng sinh, có uy tín, thương hiệu trên thị trường cả nước. 

Tiềm năng về khai thác hải sản xa bờ

Không chỉ có lợi thế về nuôi trồng thuỷ hải sản, thị xã Hoàng Mai hiện nay còn là nơi có đội tàu với số lượng lớn thứ 2 của tỉnh, là tiềm năng và thế mạnh để có thể khai thác hải sản, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

Theo thống kê, toàn thị xã có hơn 1000 tàu thuyền, trong đó có gần 400 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Có 2 cảng cá lớn ở Quỳnh Phương và Quỳnh Lập, nguồn lao động nghề biển dồi dào nên thuận lợi cho nghề khai thác hải sản trên biển. 

Hiện nay, thị xã đã tập trung phát triển các đội tàu có công suất lớn trên 300CV, khai thác xa bờ. Các ngư dân đã đầu tư, bám biển dài ngày, đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá thu, mực, cá hố, tôm... 

Theo số liệu của Phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai, sản lượng khai thác thủy sản tháng 8 ước đạt hơn 5.030 tấn, tăng 6,9% so với cùng kì.

Trong đó, Quỳnh Phương là phường có số lượng tàu thuyền công suất lớn nhỏ nhiều nhất tỉnh Nghệ An với 730 chiếc, tổng công suất hơn 174 CV, tăng gần 40 CV so với cùng kỳ. Số lao động khai thác hải sản 3.950 người. Từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động khai thác hải sản của Quỳnh Phương ước đạt 13.849 tấn, giá trị sản phẩm ước đạt 339,4 tỷ đồng, bằng 85,48% kế hoạch cả năm.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo, thị xã Hoàng Mai đã thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Đồng thời, các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển trong mùa mưa bão cũng được tăng cường. 

Thời gian qua, UBND thị xã thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy sản, các Đồn Biên phòng Quỳnh Phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU) tới ngư dân, các chủ tàu, thuyền trưởng và các chủ phương tiện khai thác hải sản khác trên địa bàn.

Song song với nghề khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, từ lợi thế kinh tế biển, người dân Hoàng Mai đã mạnh dạn gắn với phát triển mạng lưới thu gom, dịch vụ hậu cần thủy sản và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ, đó là phát triển nghề chế biến thủy hải sản. 

Theo đó, các địa phương ven biển thị xã thành lập được hàng trăm cơ sở chế biến nước mắm truyền thống và hàng trăm tấn thủy sản khô, từ đó đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, giải quyết việc làm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống dân cư trong vùng.