Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, Quảng Ngãi đã quy hoạch 3 vùng lớn, gồm: Khu kinh tế Dung Quất - chủ yếu phát triển cụm cảng, công nghiệp, đô thị và dịch vụ; khu vực thành phố Quảng Ngãi - tập trung phát triển đô thị, du lịch; khu phát triển nghề cá và các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, Quảng Ngãi sẽ đưa Lý Sơn sớm thành trung tâm du lịch lớn về biển, đảo. 

Khu kinh tế Dung Quất - Hạt nhân tăng trưởng của Quảng Ngãi

Những năm qua, khu kinh tế Dung Quất đã có những bước phát triển vượt bậc và được đánh giá là một trong những khu kinh tế thành công nhất cả nước. Đây là hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 168/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045. 

Theo đó, khu kinh tế Dung Quất phát triển với 168 mục tiêu, định hướng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia, lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng.

Tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào tháng 5/2023 vừa qua đã thông qua quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cũng xác định, một trong 2 trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh đó là khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Khu kinh tế Dung Quất có tổng diện tích hơn 45 nghìn ha. Với lợi thế là hệ thống giao thông trục chính được đầu tư tương đối đồng bộ; có hệ thống quốc lộ, đường cao tốc và đường sắt Bắc – Nam đi qua; cách đường hàng hải quốc tế 90km, cách đường hàng hải nội địa 30km; là cửa ngõ ra biển Đông của hành lang kinh tế Đông - Tây. 

Hơn nữa, khu kinh tế Dung Quất nằm cạnh sân bay Chu Lai và khu kinh tế mở Chu Lai. Ngoài ra, nơi đây còn có các bãi biển đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh, gắn kết thuận lợi với huyện Lý Sơn... đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch.

Điều thuận lợi mang tính khác biệt của khu kinh tế Dung Quất là có cảng biển nước sâu, với hệ thống bến cảng chuyên dụng, cảng tổng hợp được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 200 nghìn DWT...

Hiện tại, khu kinh tế Dung Quất đã có nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực mang thương hiệu quốc gia và quốc tế, như sản phẩm hóa dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; sản phẩm của dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, công suất 6 triệu tấn/năm và hiện đang triển khai đầu tư dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, công suất 5,6 triệu tấn/năm...

Hiện nay, Quảng Ngãi đã và đang xây dựng khu kinh tế Dung Quất theo định hướng xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đồng thời dành nguồn lực tài chính thỏa đáng để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, hoạt động.

Phát triển bền vững huyện Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo

Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách bờ khoảng 30km, với diện tích gần 10km2 và dân số hơn 22.000 người. Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 hòn đảo là đảo Lớn, đảo Bé và hòn Mù Cu.

Để khai thác tiềm năng du lịch và nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của Lý Sơn, tháng 11/2021, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết 05 về đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó lấy Lý Sơn làm hạt nhân để thúc đẩy phát triển du lịch của toàn tỉnh. Và để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với huyện đảo Lý Sơn xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển huyện đảo đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đưa Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc gia.

Tiếp đó, Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh uỷ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 xác định, ngành kinh tế biển được phát triển theo thứ tự ưu tiên, trong đó, du lịch và dịch vụ biển được xếp hang đầu. Và một trong những nội dung của Nghị quyết đó là phát triển bền vững huyện đảo Lý Sơn, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh. 

Đồng thời, theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua vào tháng 5/2023 vừa qua cũng xác định, huyện đảo Lý Sơn cũng là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh, định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch biển, đảo. Tại đảo Lý Sơn, kinh tế biển và du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. 

Để phát triển kinh tế biển đưa Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo, huyện Lý Sơn đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị biển theo hướng văn minh, hiện đại. 

Những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng trên đảo được đầu tư đồng bộ, trong đó có nhiều công trình giao thông trọng điểm kết nối thông suốt với các điểm du lịch, cảng biển đã tạo nên diện mạo mới cho đảo Lý Sơn.

Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện còn chú trọng đầu tư vào nghề biển như xây dựng cảng cá, phương tiện đánh bắt, quy hoạch vùng chuyên nuôi trồng thuỷ - hải sản, vùng neo đậu tàu thuyền… tạo điều kiện giúp ngư dân giàu lên từ biển và phát triển nghề biển một cách bền vững.

Tính đến năm 2022, huyện Lý Sơn có trên 550 tàu cá được đầu tư hiện đại, với hơn 3.000 ngư dân; trong đó, hơn một nửa số tàu cá đánh bắt xa bờ. Sản lượng đánh bắt, khai thác thủy sản mỗi năm trung bình đạt khoảng trên 31 nghìn tấn, với giá trị đạt trên 900 tỷ đồng; thu nhập bình quân lao động nghề biển đạt từ 80 - 100 triệu đồng/người/năm. 

Bên cạnh nghề biển, hoạt động thương mại - dịch vụ và du lịch tại đây cũng liên tục phát triển và mở rộng. Hiện nay trên đảo Lý Sơn có 4 chợ, hàng chục cửa hàng, đại lý được nhân dân đầu tư, mở rộng; có 7 tàu cao tốc phục vụ tuyến Sa kỳ - Lý Sơn, 16 ca nô phục vụ tuyến đảo Lớn - đảo Bé. 

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn bà Phạm Thị Hương cho biết, hiện Lý Sơn có hơn 130 cơ sở lưu trú gồm 8 khách sạn, hơn 60 nhà nghỉ, 60 homestay, với trên 1.100 phòng nghỉ. 

Con số này liên tục được gia tăng khi Lý Sơn tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, nâng cao chất lượng các cơ sở dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, bảo vệ nmooi trường, tôn tạo các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh.

Những năm qua, số lượng khách du lịch đến đảo ngày một tăng. Năm 2010, số lượng du khách đến Lý Sơn đạt 8.800 lượt khách, đến năm 2019, khách du lịch đến Lý Sơn đã tăng lên tới 265 nghìn lượt khách, gấp 26 lần. 6 tháng đầu năm 2023, Lý Sơn đã đón khoảng 60 nghìn lượt khách, tăng 134% kế hoạch năm. 

Hiện nay, ngoài chú trọng phát triển du lịch, Lý Sơn cũng đang kêu gọi thu hút đầu tư chiến lực triển khai các dự án, dần hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng trên đảo. Đồng thời chú trọng khuyến khích bà con đẩy mạnh phát triển các loại hình khai thác, đánh bắt nuôi trồng thủy sản và những đặc sản đặc trưng của đảo để phục vụ phát triển ngành kinh tế không khói.

Nguyễn Trần Chung, Phan Chí Hiếu, Huỳnh Tuấn Kiệt