Kết thúc chương trình, “Việt nam quê hương tôi” (Đỗ Nhuận) đã khiến cho người khó tính nhất phải rưng rưng nước mắt vì xúc động.


Không ngờ một chương trình hòa nhạc diễn ra vào buổi chiều lại đông đến vậy. Khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội ngày 2/9 đã không còn một chỗ trống. Không ít người phải xem vé đứng.

Ca sĩ Mỹ Linh rực rỡ trên sân khấu "Điều còn mãi"

Sau Quốc ca là “Concerto grosso cho violin, piano, bộ gõ và dàn dây” của một tên tuổi mới, trẻ - Nguyễn Mạnh Duy Linh, được xếp mở đầu, khiến cho khán giả trong khán phòng hết sức chú ý. Tinh tế, đa chiều, ngôn ngữ hiện đại giàu chất biểu cảm, thấy hé lộ chân dung một tài năng mới. Thêm phần xuất sắc cho tác phẩm là sự hòa âm điêu luyện của solo Bùi Công Duy. Tiếng vĩ của anh luôn làm xao xuyến tâm can người thụ hưởng.

Sau Concerto, đến 2 tác phẩm mang âm hưởng dân ca được 2 cha con nhạc sĩ - nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Dương và Ngô Hoàng Quân chuyển soạn cho DN giao hưởng và violon. Những hợp âm dày dặn, mẫn cảm và tinh tế cùng với phần biểu cảm của violinist Xuân Huy đã đã đem “Bèo dạt mây trôi” và “Hát ru”đến một ngưỡng mới cho thưởng thức.

Tiếp theo, là bản Giao hưởng thơ "Lệ Chi Viên" của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Không ít người đã biết đây là tác phẩm từng chinh phục những ngôi đền âm nhạc tại Bon và Berlin (Đức) năm 2009. Và vì thế, sự hồi hộp lên tới đỉnh điểm.

Không chỉ là câu chuyện về người anh hùng bằng âm nhạc đầy tính hào sảng, bừng thức, mạnh mẽ, quật cường mà trong đó có cả những đau đớn tự sự nội tâm... Người ta liên tưởng đến gương mặt một vị công thần nhà Lê lừng lẫy Nguyễn Trãi, một nhà văn - nhà thơ lớn với nỗi oan khuất Lệ Chi Viên.

Bản Giao hưởng anh hùng và nước mắt này là thành công của tác giả, không chỉ xứng đáng với Giải thưởng Hội Nhạc sĩ 2009 mà là giải thưởng trong lòng người thưởng thức âm nhạc thời đại.

Ca sĩ Hồng Nhung với "Hoa sữa"

Tiếp đến: là trích đoạn của “Bóng”. Mặc dầu rất hay. Hay từ pianist Phó An My đến các nhạc công trống, sáo, chầu và ca sĩ chầu văn nhưng nếu đã xem riêng một đêm “Bóng” thì sức hút có phần bị giảm thiểu, bởi ánh sáng không được thiết kế riêng cho tác phẩm nên không phù hợp.

Kết thúc phần Khí nhạc, là "Trở về đất mẹ", của Nguyễn Văn Thương, một tác phẩm kinh điển từng được dàn nhạc giao hưởng trình tấu thành công, lần này lại được thể hiện với cây đàn cello đầy tính tự sự và đặc biệt là cây vĩ đầy nội tâm của Ngô Hoàng Quân.

*

Không như một số chương trình hòa nhạc, phần 2 vẫn chẳng một ghế nào bỏ trống ra về.  Không ít người phải đứng mà vẫn hào hứng.

Phần thanh nhạc được mở đầu bằng tác phẩm giàu lòng yêu nước - hợp xướng "Việt Nam muôn năm" của nhạc sĩ Hoàng Vân với giọng ca hàng đầu, đang độ sung sức của Đăng Dương. Anh còn hát “Những ánh sao đêm” của Phan Huỳnh Điểu.

Trọng Tấn cũng thật tuyệt vời với “Tình em” (Huy Du - Ngọc Sơn) và với “Tiếng hát thành phố mang tên người” (Đăng Trung - Cao Việt Bách).

Các giọng nữ cũng lôi cuốn không kém. Từ Hà Phạm Thăng Long đến Nguyên Thảo. Đặc biệt về kĩ thuật thanh nhạc và vocal. Kế đến là Mỹ Linh “Trên đỉnh phù vân” (Phó Đức Phương). Hồng Nhung vô cùng trẻ trung trong cách thể hiện và trong trang phục biểu diễn. Nhiều người ngạc nhiên thấy Hồng Nhung trẻ trung trong“Hoa sữa” (Hồng Đăng) còn Nguyên Thảo thì tung tẩy với “Họa mi hót trong mưa”. Sẽ không quá khi nói: “Họa mi hót trong mưa” từ nay sẽ mang dấu ấn của Nguyên Thảo.

Nguyên Thảo tiếp tục thành công cùng "Họa mi hót trong mưa"

Tất cả các ca sĩ trong “Điều còn mãi” đều hát với DN giao hưởng, thể hiện một đẳng cấp mà chỉ một số ít ca sĩ trong nước đạt tới. Ngoài ra, nếu, tất cả các bản hòa âm phối khí trong phần thanh nhạc đều là của Trần Mạnh Hùng thì chỉ huy đêm diễn trong tất cả các tiết mục đều là Nhạc trưởng Lê Phi Phi, người nhạc trưởng tài hoa và tâm huyết.

Bản phối nào cũng tuyệt vời, cũng nâng ca khúc lên thành một tầm mới và đặc biệt là: “Trên đỉnh phù vân”. Khó có thể kể hết những cái hay trong đó, như: mây bay, nước chảy, đỉnh núi mờ sương, cầu kỳ và khúc triết bên cạnh cái buông bắt xa xăm vậy mà Mỹ Linh “lên đỉnh”, ăn nhập với đối thoại với những nhạc cụ của dàn nhạc. Mỹ Linh đã vượt qua bản thân và ngày càng điệu nghệ có lẽ ở chính “Trên đỉnh phù vân” năm nay...

Kết thúc chương trình, hợp xướng “Việt nam quê hương tôi” (Đỗ Nhuận) đã khiến cho người khó tính nhất phải rưng rưng nước mắt vì xúc động.

Như đã nói, “Điều còn mãi” thật xứng tầm với kỳ vọng của Ban tổ chức, những người không chỉ sành âm nhạc, giỏi tổ chức và có tầm văn hóa... Cảm ơn  báo ViệtnamNet đã hằng năm tổ chức các chương trình hòa nhạc đỉnh cao, tặng tất cả cho công chúng để “Hòa giải và Yêu thương”, để cái đẹp trở thành “Điều còn mãi” trong đời sống Việt.

Các ca sĩ: Hồng Nhung, Trọng Tấn, Hà Phạm Thăng Long, Mỹ Linh, Đăng Dương cùng lĩnh xướng trong màn hợp xướng "Việt Nam quê hương tôi" do hai dàn hợp xướng: Đại học SPNT và Cung Thiếu nhi hát với Dàn nhạc GHVN.

Trần Thị Trường (Theo Tạp chí Âm nhạc)

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

BTC hòa nhạc Điều còn mãi trân trọng gửi lời cảm ơn tới:
Ban cố vấn chương trình
Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam
Giám đốc nghệ thuật và biên tập chương trình: Nhạc sĩ Dương Thụ
Nhạc trưởng: Lê Phi Phi
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam
Dàn hợp xướng ĐH SPNT
Dàn hợp xướng Cung thiếu nhi Hà Nội
Nhạc sĩ phối khí: Trần Mạnh Hùng
Và toàn thể các thành phần, nhân sự tham gia đóng góp cho  thành công  của chương trình hòa nhạc

Trưởng Ban tổ chức - Tổng biên tập Bùi Sỹ Hoa