‘Cục máu đông’ gây tắc nghẽn dòng tiền

Ngày 25/5, thảo luận ở tổ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết, tồn dư ngân quỹ Nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng ở mức khá cao. Tính đến giữa tháng 5/2023 đã vượt 1 triệu tỷ đồng.

“Đây là một vấn đề nhức nhối đối với chúng ta, một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được”, ông Đồng nói. 

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, đây cũng chính là ‘cục máu đông’ gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế, khi tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước nằm ‘đắp chiếu’ chủ yếu ở Ngân hàng Nhà nước và đã không quay trở lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công.

Từ phân tích trên, đại biểu đoàn Quảng Trị ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp của Quốc hội và Chính phủ theo hướng tiếp tục hoãn, giãn, giảm một số khoản thuế, phí để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp và người dân, đồng thời giúp cân bằng với việc chi đầu tư phát triển thực hiện chậm.

Cùng vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân) nêu lo ngại khi tiền trong ngân quỹ có mà không tiêu được do tắc nghẽn giải ngân vốn công.

Theo ông Cường, Chính phủ cần có giải pháp mạnh tay hơn như việc điều chuyển, xử lý cán bộ không thực hiện hết chức trách nhiệm vụ. Đại biểu cho rằng, nếu chỉ xử lý bằng các biện pháp hành chính sẽ khó giải quyết được thực tế hiện nay, bởi tâm lý e sợ, lo ngại trong thực thi công vụ phá phổ biến.

1 triệu tỷ đồng gửi ngân hàng, sửa chữa hàng rào cũng chờ vốn đầu tư công

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói, những ý kiến Đại biểu Quốc hội nêu như trên là hoàn toàn đúng.

“Do nghẽn giải ngân đầu tư công nên Bộ Tài chính phải gửi số tiền 1 triệu tỷ đồng vào Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0,8%/năm”, ông Phớc nói.

Theo ông Hồ Đức Phớc, khó khăn nhất trong nền kinh tế hiện nay là hạn chế tổng cầu, trong khi cơ cấu hình thành lên tổng cầu là tiêu dùng xã hội, đầu tư tư nhân, tiêu dùng Chính phủ, xuất nhập khẩu.

Theo Bộ trưởng Tài chính, do nghẽn giải ngân đầu tư công, số tiền 1 triệu tỷ đồng đang phải gửi vào Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0,8%/năm

Bộ trưởng Tài chính cho rằng, để kinh tế phát triển, phải làm cho đầu tư tư nhân, tiêu dùng xã hội tăng lên, tức là phải có cơ chế chính sách, môi trường đất đai.

“Đầu tư công sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển. Khi đầu tư công được giải ngân sẽ thúc đẩy cho kinh tế- xã hội phát triển, các ngành nghề đều được thụ hưởng, dẫn dắt đầu tư tư nhân”, ông Hồ Đức Phớc nói thêm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, các vướng mắc như Đại biểu Quốc hội chia sẻ cần phải được tháo gỡ. Trong đó phải thực hiện một luật sửa nhiều luật, đồng thời phải tập hợp những khó khăn, vướng mắc trình Chính phủ, Quốc hội sửa, tháo gỡ những nút thắt đang còn là rào cản.

Theo ông Hồ Đức Phớc, kỳ họp trước, Bộ Tài chính đã đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong việc cải tạo, nâng cấp những cơ sở, công trình, không phải chờ dùng vốn của đầu tư công mà có thể chi từ nguồn chi thường xuyên. Bộ Tài chính nhận được sự đồng thuận của 63/63 tỉnh, thành và 20/21 bộ, ngành.

Trước Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước (NSNN) để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên NSNN thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong những cơ sở, công trình đã có.

“Nếu được thực hiện, sẽ tháo gỡ hầu hết những vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, bởi vì hiện nay, sửa chữa một hàng rào cũng chờ vốn đầu tư công”, ông Phớc nói thêm.