Không chỉ nổi tiếng vì chuyên môn giỏi, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM còn được biết đến vì tình trạng xuống cấp, chật hẹp, quá tải hơn 10 năm qua.

Mỗi ngày, nơi này tiếp nhận từ 1.500-2000 lượt khám ngoại trú, khoảng 700 bệnh nhân nội trú. Tuy nhiên, con số thực mà bệnh viện phải tải là gần 5.000 người/ngày, bao gồm người bệnh, thân nhân, 900 nhân viên y tế, sinh viên và bác sĩ sang học tập. 

“Bằng nấy con người trong một cơ sở xuống cấp, bệnh viện như một chiếc áo quá chật chội nên khu vực nào cũng quá tải”, đại diện Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM nói.

Hình ảnh sáng 1/11 tại Khu khám bệnh.
Người bệnh ngồi ở cầu thang vì hết chỗ bên dưới.

Ghi nhận sáng 1/11, người bệnh chen nhau di chuyển đến các phòng chụp chiếu, bó bột vì hành lang nhỏ hẹp. Nhiều người phải ngồi ở cả khu vực cầu thang, chặn lối đi lại. Đặc thù bệnh nhân đến đây là bị chấn thương chi, cột sống, cấp cứu, tai nạn … nên việc di chuyển khá vất vả.

Năm 2019, một vụ cháy xảy ra ở ký túc xá sát bên. Người bệnh vừa phẫu thuật cột sống được buộc chặt vào giường, khoảng 6-7 nhân viên y tế khiêng từ lầu 3 xuống để di tản. 

Bệnh viện đã được sử dụng hơn 50 năm.
Bệnh nhân chờ bên ngoài phòng mổ.
Điều dưỡng chăm sóc vết thương cho 1 ca phẫu thuật cột sống. 

Chị Đỗ Thị Trinh, Điều dưỡng trưởng Khoa Vi phẫu tạo hình, chỉ vào hàng dài bệnh nhân nằm hành lang và cho biết, lúc cao điểm, người bệnh còn tràn ra cả khu hội trường. Mỗi phòng kê kín 6 chiếc giường, không còn lối đi. Điều dưỡng phải nghiêng mình lách qua. Phòng bệnh được ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ.

“Trời nắng còn đỡ, nhưng mưa thì khổ cho bệnh nhân nằm hành lang lắm. Nếu không kéo tấm che, họ bị hắt ướt hết, còn nếu kéo xuống lại rất ngộp thở, khó chịu. Ở đây, mỗi ca nằm ít nhất 3 tuần nên càng tội hơn", chị Trinh nói. 

Người bệnh khổ, nhưng nhân viên y tế cũng không sướng hơn. Bệnh viện không có bãi xe cho nhân viên, đành phải thuê nhà dân bên ngoài và xin để nhờ phần đất của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Tuy nhiên, phương án này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu thực tế. 

“Nhiều bác sĩ, điều dưỡng phải tự túc tìm chỗ gửi xe. Loanh quanh bệnh viện luôn kín chỗ nên họ phải đi xa hơn. Tôi gửi xe ở bên ngôi chùa gần đây, đi bộ sang viện hết khoảng 7 phút”, chị Th., một nhân viên đã gắn bó với Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình gần 10 năm, chia sẻ.

Thiếu bãi xe nhưng bên trong bệnh viện luôn ... "kẹt xe". Nội khu chỉ có 1 con đường di chuyển cho cả người khám ngoại trú, chụp X quang, chuyển mổ cấp cứu, thậm chí còn vận chuyển rác thải. Đây là thách thức với một bệnh viện ngoại khoa, mỗi ngày mổ trên 100 ca. Môi trường bệnh viện dễ nhiễm khuẩn hơn. 

Một góc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.

Trên thực tế, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM do bang Hẹ của người Hoa xây dựng vào năm 1968 với diện tích 5.051 m2. Ban đầu, bệnh viện được xây dựng cho người nghèo, lấy tên là Sùng Chính.

Năm 1978, cơ sở được chuyển giao cho Nhà nước quản lý. Năm 2002, chính thức lấy tên Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Đến nay, tuổi đời bệnh viện đã quá 50, cơ sở hạ tầng, kết cấu công trình đã xuống cấp. Sát bên là Ký túc xá Cao đẳng Cao Thắng cũng xuống cấp nghiêm trọng, đã xảy ra nhiều sự cố đe dọa tính mạng, sức khỏe người bệnh và nhân viên y tế. 

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án theo văn bản số 543/TTg-KTN ngày 02/4 về xây mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM tại huyện Bình Chánh. Đến nay, 12 năm trôi qua, trải qua 3 đời giám đốc, bệnh viện mới vẫn nằm trên giấy. 

“Dự án vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và Sở Y tế cũng đã trình UBND TP.HCM xin hủy dự án này”, đại diện bệnh viện nói. 

Để khắc phục, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã nỗ lực sửa sang cuốn chiếu tất cả các khoa lâm sàng, phòng khám... đảm bảo sạch sẽ phục vụ người bệnh. Các phòng nhỏ được phá tường, sửa thành phòng bệnh lớn để tăng diện tích sử dụng. Ngoài ra, tận dụng tối đa diện tích nội khu để xây thêm phòng mổ, phòng chụp X quang…

Đông đúc, quá tải dẫn đến hậu quả là kẻ gian lợi dụng móc túi, trộm đồ người bệnh. Người bệnh dễ dẫn đến khó chịu, cự cãi vì chờ đợi. Ngay cả nhân viên y tế cũng rất mệt mỏi, uể oải. 

“Phòng bệnh còn không đủ nên phòng nghỉ cho nhân viên y tế cũng rất xa xỉ dù ban giám đốc cố gắng rất nhiều. Nếu than thì than không hết, nhưng mọi người ai cũng phải cố và chờ đợi bệnh viện mới thôi.

Chờ hơn 10 năm rồi!”, một nữ điều dưỡng chia sẻ. 

Một số hình ảnh ghi nhận tại bệnh viện sáng 1/11:

Lối đi duy nhất: khám bệnh, chụp Xquang, chuyển bệnh nhân mổ cấp cứu và vận chuyển rác.