Trong khi TP Hoà Bình tìm đầu ra cho hàng vạn tấn rác thải sinh hoạt không có chỗ chứa, xử lý… thì ngay cửa ngõ Thành phố, một nhà máy xử lý rác thải công suất 190 tấn/ngày đêm, vừa được xây mới và đi vào hoạt động tháng 4/2019 đang “bỏ không” gần hai năm qua vì… không có rác!
Năm 2017, UBND tỉnh Hoà Bình chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Khu xử lý, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn” cho công ty TNHH Năng lượng Môi trường Bắc Việt (nay là công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Bắc Việt), công suất thiết kế 190 tấn/ngày theo phương pháp đốt rác..
Năm 2018, chủ đầu tư hoàn tất thủ tục, hồ sơ pháp lý và tiến hành xây dựng nhà máy tại xã Thịnh Minh (TP Hoà Bình), cách trung tâm TP chừng 20km. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 công suất 100 tấn/ngày đêm.
Hoàn thành giai đoạn 1, tháng 4/2019, Công ty Bắc Việt tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt cho TP Hoà Bình bằng một dây chuyền xử lý rác với công suất đúng theo thiết kế trong dự án (100 tấn/ngày). Trong năm 2019, đơn vị này đã xử lý, đốt được 34.000 tấn rác thải.
Năm 2020, Bắc Việt tiếp tục ký hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt cho thành phố. Theo hợp đồng, Bắc Việt có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý đốt rác tại nhà máy. Việc thu gom, vận chuyển do Công ty Môi trường đô thị TP Hoà Bình và Công ty Môi trường Hoàng Long đảm nhận.
Với quãng đường vận chuyển rác được giảm xuống 1/2 (chưa đầy 20km) từ nơi thu gom, tập kết để tới nhà máy xử lý rác, TP Hoà Bình đã tiết kiệm được 1/2 ngân sách cho việc vận chuyển rác do quãng đường giảm một nửa. Trước đó, rác thải sinh hoạt của TP được đưa tới Nhà máy xử lý rác thải Hoàng Long (đặt tại huyện Lương Sơn), cách TP hơn 40km.
Nhưng quan trọng hơn, Bắc Việt là nhà máy xử lý rác thải được xây mới, dây chuyền xử lý rác hiện đại theo đúng hồ sơ thiết kế dự án được phê duyệt. Trong khi đó, Nhà máy xử lý rác thải Hoàng Long dây chuyền lạc hậu, công suất thấp, không đủ năng lực xử lý rác thải theo đúng cam kết, thường xuyên gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2020, Nhà máy xử lý rác thải Bắc Việt đã phải tạm dừng vận hành vì… không có điện để vận hành máy, cũng như con đường vận chuyển rác vào nhà máy bị “bít lối” do dự án làm đường chạy qua nhà máy, đất sạt lở bít kín đường vào.
Vì sao rác “không có đường” vào nhà máy?
Bà Nguyễn Thị Thu Ngọc (GĐ Công ty Bắc Việt) cho biết: Trong suốt hơn 1 năm kể từ khi đưa nhà máy (giai đoạn 1) và hoạt động, công ty Bắc Việt phải chạy máy phát điện để vận hành dây chuyền xử lý rác thải, mỗi ngày tiêu thụ đến vài trăm lít dầu. Nguyên nhân: hệ thống đường điện… chưa được đấu nối vào nhà máy.
“Chúng tôi chấp nhận chịu lỗ, vận hành dây chuyền xử lý rác thải bằng máy phát điện chạy dầu để thực hiện đúng cam kết, trách nhiệm với thành phố chứ không phải vì mục tiêu lợi nhuận” – bà Ngọc cho biết.
Tuy nhiên, hơn 1 năm sau, tháng 6/2020, máy phát điện chạy dầu gặp sự cố. Công ty Bắc Việt phải dừng việc xử lý rác thải đồng thời có văn bản báo cáo UBND TP Hoà Bình; xin được tạm dừng cho tới khi có hệ thống điện được kéo vào nhà máy để chạy dây chuyền.
Chỉ trong thời gian nửa tháng dừng xử lý rác, khối lượng rác bị ùn ứ trong nhà máy rác Bắc Việt khoảng gần 1.800 tấn.
Tiếp đó, người dân xã Thịnh Minh nhiều lần tập trung phản đối, chặn đường không cho xe rác vào nhà máy vì lý do nước rỉ rác rơi ra đường dân sinh trong quá trình vận chuyển.
Ngoài ra, người dân cũng yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu để đo chất lượng không khí, nguồn nước xung quanh nhà máy do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.
Đây cũng là nguyên nhân khiến xe chở rác không có đường vào nhà máy; buộc TP phải tập kết rác tại các điểm như đã nói trên đường Trương Hán Siêu, đường nội bộ Khu công nghiệp Mông Hoá…, sau đó là phương án… tập kết rác trên rừng!
Để giải đáp những vấn đề thắc mắc, phản ánh của người dân, liên ngành chức năng của tỉnh Hoà Bình đã nhiều lần kiểm tra, thanh tra tình hình vận chuyển, thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn.
Đối với công tác vận chuyển, thu gom khiến nước rỉ rác rơi vãi ra đường, gây ô nhiễm môi trường, Công ty Bắc Việt đã có công văn kiến nghị lên các Sở, ngành về việc đó không phải là trách nhiệm của Bắc Việt. Đơn vị này chỉ tiếp nhận rác sinh hoạt tại nhà máy và xử lý rác bên trong nhà máy. Việc thu gom, vận chuyển là do hai đơn vị (Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hoàng Long và Công ty cổ phần đô thị Hoà Bình) đảm trách.
Đối với nước rác, mùi hôi thối phát sinh từ nhà máy, Bắc Việt đã có báo cáo giải trình do lượng rác ùn ứ trong nhà máy kể từ khi máy phát điện gặp sự cố, dây chuyền xử lý rác phải ngừng hoạt động. Tiếp đó, UBND thành phố Hoà Bình đã “gửi” vào nhà máy khoảng 750 tấn rác thải sinh hoạt tập kết ở khu vực quảng trường thành phố… khiến lượng rác tồn bên trong nhà máy lên tới gần 3.000 tấn, gặp thời điểm mưa lớn, nước mưa xối xuống khiến rác bốc mùi và nước rác chảy sang khu vực đất trồng của hộ dân.
Ngày 29/7/2020, Sở TN&MT tỉnh Hoà Bình ban hành Kết luận số 283 về công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật tài nguyên môi trường của nhà máy xử lý rác Bắc Việt. Sở TNMT cho biết, đơn vị đã khắc phục các sự cố như người dân phản ánh; thực hiện tương đối đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường, đất đai, tài nguyên nước; thực hiện quan trắc môi trường định kỳ.
Trước thực trạng rác thải tồn đọng sau 2 năm không được xử lý cùng với lượng rác thải phát sinh 75 tấn/ngày, Công ty Bắc Việt đã chủ động triển khai xây dựng, thi công, lắp đặt Giai đoạn 2 dự án với hệ thống máy móc, xây chuyền chế biến, xử lý, phân loại và đốt rác…
“Khi giai đoạn 2 của dự án được hoàn thiện, công suất xử lý sẽ đạt 100 tấn, nâng tổng công suất nhà máy lên 200 tấn/ngày đêm. Việc vận hành, xử lý sẽ được nâng lên, không còn xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải” – bà Ngọc cho biết.