- Thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, cơ chế đặt hàng, công khai minh bạch tất cả các khâu từ tuyển chọn, phản biện tới nghiệm thu đề tài được coi là giải pháp chấm dứt tình trạng "cất ngăn kéo" của các đề tài nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.
Hết thời nghiên cứu "vô bổ", "giời ơi"
Từ 15/2, Thông tư liên tịch số 27 giữa Bộ Khoa học và Côgn nghệ (KH&CN) và Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Với cơ chế khoán chi tới sản phẩm cuối cùng, các đề tài nghiên cứu cất ngăn kéo sẽ không còn đất sống. |
Theo thông tư 27, việc giao đề tài khoa học dùng ngân sách nhà nước sẽ chỉ quan tâm tới sản phẩm cuối cùng, nhà khoa học được tự do sử dụng kinh phí được giao. Tuy nhiên, nếu không tạo ra được sản phẩm cuối cùng như cam kết khi ký kết hợp đồng giao đề tài, nhà khoa học có thể sẽ phải hoàn trả từ 40-100% kinh phí đã được giao.
Thực hiện cơ chế khoán chi được coi là một trong những bước đi nhằm chấm dứt tình trạng "cất ngăn kéo" của phần lớn các đề tài nghiên cứu khoa học tại Việt Nam hiện nay.
Theo thống kế, mỗi năm, ngành KH&CN chi 3.500 tỉ cho nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% số công trình nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn.
Quá nhiều đề tài "cất ngăn kéo", thiếu khả năng ứng dụng được coi là một "vấn nạn" đối với nền khoa học công nghệ nước nhà trong nhiều năm qua.
Trong một cuộc trao đổi với báo chí cuối năm 2015, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân thừa nhận rằng, thực tế có rất nhiều đề tài nghiên cứu "giời ơi", "vô bổ", "không xuất phát từ thực tiễn".
"Nghiên cứu nhiều cái vô bổ lắm. Như nghiên cứu quy trình ban hành nghị quyết của tỉnh ủy, với kinh phí mấy trăm triệu nhưng không biết có ai dùng?", ông Quân nói.
"Tôi từng phải có ý kiến về những đề tài như vậy rồi. Ví dụ nghiên cứu mô hình này mô hình kia của nước nọ nước kia mà không biết có ai dùng không".
Ông Quân cho rằng, thực hiện cơ chế khoán chi sẽ giúp giải quyết được tình trạng nhiều nghiên cứu vô bổ, giời ơi nhưng vẫn được nghiệm thu xuất sắc rồi không biết dùng vào việc gì.
"Hầu hết các sản phẩm đều được nghiệm thu xuất sắc nhưng không ai quan tâm sản phẩm cuối cùng của họ là gì. Vì cơ quan tài chính cứ thấy đầy đủ quy trình thủ tục, hóa đơn chứng từ, xong nghiệm thu thế là thanh lý hợp đồng nhưng sản phẩm ấy có dùng được không thì ít người quan tâm", ông Quân nói.
Với Thông tư 27, việc giao đề tài sẽ hướng tới quản chặt sản phẩm cuối cùng, đầu ra của đề tài. Nếu sản phẩm cuối cùng không đạt yêu cầu thì dứt khoát không được thanh quyết toán. "Sản phẩm đầu ra là đối tượng quan trọng nhất của một đề tài dự án chứ không phải hóa đơn, chứng từ", ông Quân cho hay.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thông tư mới sẽ giải quyết cơ bản những vướng mắc của ngành KH&CN lâu nay vì vấn đề giao đề tài, vấn đề thanh quyết toán sẽ được đơn giản hóa, hóa đơn, chứng từ sẽ được cắt giảm tối đa.
Đặt hàng để tìm địa chỉ ứng dụng
Bên cạnh chú trọng vào sản phẩm cuối cùng của các đề tài, Thông tư 27 góp phần hoàn thiện cơ chế đặt hàng cho các đề tài nghiên cứu với địa chỉ ứng dụng cụ thể cho các sản phẩm được tạo ra.
"Đề tài nghiên cứu nhiều cái vô bổ lắm" - Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: Lê Văn. |
Luật Khoa học và Công nghệ đề xuất cơ chế đặt hàng trong việc giao các đề tài nghiên cứu khoa học cho các viện, trường. Theo đó, cơ chế đặt hàng buộc các sản phẩm phải có tính áp dụng thực tiễn và phải có địa chỉ ứng dụng và phải trở thành sản phẩm của xã hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nếu trước đây, ai có ý tưởng, mong muốn làm một đề tài nào đó đều được đề xuất và hầu hết đều được duyệt thì nay, việc giao các đề tài sử dụng ngân sách phải có đơn vị đứng ra bảo lãnh là sẽ tiếp nhận kết quả nghiên cứu, đầu tư tiếp để sản phẩm đi vào cuộc sống.
Đề xuất thì ai cũng đề xuất được nhưng khi đề xuất để được cấp kinh phí, giao đề tài thì phải được bảo lãnh của các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, là những người vừa có tiền vừa có quyền để đưa sản phẩm vào thực tiễn, ông Quân nói.
"Ông bộ trưởng hay ông chủ tịch UBND tỉnh một khi đã đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu thì nghiên cứu xong phải nhận lại, đầu tư, ứng dụng kết quả nghiên cứu. Không có chuyện giao xong lại bảo không có tiền đầu tư, ứng dụng".
Cùng với cơ chế khoán chi và cơ chế đặt hàng cho các đề tài nghiên cứu, minh bạch hóa các khâu tuyển chọn, phản biện, nghiệm thu đề tài để người dân cũng như cộng đồng khoa học có thể giám sát.
Tại Hội nghị triển khai phương hướng nhiệm vụ của Bộ KH&CN 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thẳng thắn, không thể có đủ lực lượng thanh tra giám sát hàng trăm đề tài được. Chỉ bằng cách để cộng đồng khoa học công khai giám sát lẫn nhau bằng cách công khai tất cả các khâu.
Từ đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải công khai minh bạch hoàn toàn từ quá trình tuyển chọn nhiệm vụ đề tài, xét duyệt nghiệm thu và sau đó là cả quá trình đưa ra thị trường.
Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, công khai minh bạch là một giải pháp để nâng cao chất lượng cũng như tính thực tiễn của các đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, "hiện nay chúng ta vẫn chưa công khai, minh bạch đầy đủ, toàn diện".
Theo ông Quân, cơ chế tuyển chọn đề tài đã được thực hiện từ 10 năm trước, song các khâu như phản biện, nghiệm thu vẫn chưa được công khai minh bạch.
"Tiến tới sẽ công khai minh bạch hóa tất cả công việc đó. Ví dụ hội đồng khoa học họp thì ông chủ tịch là ai? Phản biện ý kiến thế nào, ý kiến thành viên hội đồng ra sao, chấm điểm thế nào... Chúng ta nên công khai cái đó để các nhà khoa học tự giám sát lẫn nhau", ông Quân cho hay.
Ông Quân cho rằng, thực tế vẫn có những đề tài nghiên cứu "buộc phải cất ngăn kéo" như các đề tài nghiên cứu cơ bản hay các đề tài chưa tìm được nhà đầu tư. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành KH&CN cũng hy vọng rằng, với những cơ chế đặt hàng và đặc biệt là cơ chế khoán chi của Thông tư 27, các đề tài bỏ ngăn kéo "theo nghĩa xấu" sẽ được giảm bớt.
Lê Văn
CÁC TIN CÔNG NGHỆ KHÁC