Tối 22/7, tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã diễn ra chương trình nghệ thuật Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm

Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ngãi… Hàng nghìn người dân cũng đổ về khu di tích theo dõi chương trình Cõi thiêng Đồng Lộc.

Rất đông khán giả chăm chú theo dõi các tiết mục trong chương trình.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định sự hy sinh của các anh, các chị, của 10 bông hoa trinh liệt tại Ngã ba Đồng Lộc; cùng với những chiến tích thấm đẫm máu đào của các anh hùng, liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước và tấm lòng yêu nước, hết lòng đi theo Đảng, theo cách mạng của nhân dân ta đã làm nên những chiến công hiển hách.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi lễ.

"Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm, thông điệp đó đòi hỏi mỗi người dân phải có trách nhiệm tiếp nối mạch nguồn của văn hóa, mạch nguồn của dân tộc. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường. Đồng thời, phát huy những giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam để xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

Tôi mong rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công với cách mạng; đầu tư phát triển nơi chiến trường xưa, những địa bàn còn khó khăn; tiếp tục khơi dậy ý chí, khát vọng của con người Hà Tĩnh để viết nên những kỳ tích Núi Hồng - Sông La trong thời kỳ mới”, Phó Chủ tịch nước nói.

Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ôn lại lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại. Đồng thời, khẳng định, tấm gương hy sinh của 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong; sự xả thân của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thuộc các lực lượng tại chiến trường Đồng Lộc; tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc” của Làng K130 và những chiến công của Tiểu đoàn 8 Phòng không bộ đội địa phương cùng các địa danh bất tử là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khát vọng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam, minh chứng cho ý Đảng, lòng dân, khích lệ toàn quân, toàn dân ta đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu trong chương trình.

Chương trình ''Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm'' gồm 3 phần: Xe chưa qua nhà không tiếc; Máu có thể đổ, đường không thể tắc; Thênh thang đường mới. 

Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm thể hiện nhịp cầu ánh sáng kết nối, là sự tri ân, sự tưởng nhớ vô hạn những chiến sĩ đã nằm xuống nơi đây, tạo nên một ngã ba huyền thoại, máu của họ thấm đẫm mảnh đất này để từ nơi đó bật lên ngàn hoa lung linh tỏa sáng.

Chương trình được dàn dựng công phu với các vở kịch, ca khúc, màn múa đặc sắc, lắng đọng do nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên thể hiện. 
Tiết mục 'Đường Trường Sơn xe anh qua' do ca sĩ Viết Danh thể hiện để lại nhiều cảm xúc với khán giả.
Ca sĩ Thanh Tài thể hiện ca khúc 'Cúc ơi', khiến nhiều người nghẹn ngào trước sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong.
Ca sĩ Thùy Dung hát bài 'Đồng Lộc mười bông hoa bất tử'.
Hoạt cảnh những câu chuyện về một thời chiến đấu anh hùng, về sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc.

Chia sẻ với VietNamNet, ca sĩ Thành Lê cho biết đã nhiều lần diễn ở Hà Tĩnh nhưng với Về Hà Tĩnh mình ơi - sáng tác của nhạc sĩ Xuân Thuỷ trong chương trình Cõi thiêng Đồng Lộc cô xúc động hơn bao giờ hết. ''Các cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc khi còn quá trẻ nhưng thật sự tự hào cho cả một dân tộc nói chung và Hà Tĩnh nói riêng vì sự anh dũng của họ đã đi vào lịch sử được nhân dân muôn đời tưởng nhớ. Các nghệ sĩ như chúng tôi mỗi lần được cất tiếng hát ngợi ca những con người có công lao với đất nước luôn trào dâng một cảm xúc đặc biệt với tất cả sự biết ơn sâu sắc'', Thành Lê nói.