Ông Diện là một trong những nông dân điển hình ứng dụng chuyển đổi số tại huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) thời gian vừa qua. Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay địa phương này đã hình thành nhiều mô hình số hóa trong sản xuất nông nghiệp nông sản đem lại hiệu quả.

Những quả bưởi Diễn nhà ông Lê Hữu Diện (thôn Trung Cao, xã Trung Hòa) đã bắt đầu vàng ruộm. Ông Diện cho biết với 2 ha gò đồi, gia đình ông trồng hơn 300 gốc bưởi Diễn.

Dù đã đào ao lấy nước sát khu vườn, nhưng để xách từng thùng, tưới từng cây thì vừa tốn công mà tưới trước, khô sau, độ ẩm không đồng đều.

Ông Diện đã đầu tư 50 triệu lắp đắt hệ thống tưới tiết kiệm bằng phần mềm điều khiển từ xa trên điện thoại di động.

Chỉ cần ngồi nhà bấm nút, sau 30 phút, 2 ha bưởi đã được tưới đủ nước. Từ lúc đầu tư hệ thống tưới tự động, gia đình ông Lê Hữu Diện tiết kiệm được nhiều công sức tưới nước cho vườn bưởi.

buoi dien.png
Vườn bưởi Diễn nhà ông Diện được chuyển đổi số trong chăm sóc giúp tiết kiệm nhân lực.

Tương tự, Hợp tác xã (HTX) Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cũng tích cực chuyển đổi số. Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX cho biết, đơn vị đã ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ số eGap trên 17,8ha trồng rau, củ, quả...

Theo đó, trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động.

Còn cụm công nghệ số eGap giúp HTX truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng, từng thửa ruộng rau.

Nhờ khai thác hiệu quả việc chuyển đổi số, sản phẩm nông sản của HTX đã có mặt tại các bếp ăn trường học, siêu thị lớn với giá bán ổn định hơn nhiều so với tiêu thụ tại chợ truyền thống.

Từ những thành công đạt được, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn tiếp tục đầu tư hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất nông sản và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản ở các sàn thương mại điện tử có xác nhận chất lượng eGap trên tem nhãn sản phẩm.

Theo số liệu của Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, đến nay nhiều HTX nông nghiệp của các xã trên địa bàn như: Đồng Phú, Thụy Hương, Nam Phương Tiến... đã lắp đặt hệ thống camera giám sát trên cánh đồng, giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất.

Các camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh.

Trưởng phòng kinh tế huyện Chương Mỹ - Tống Văn Thái cho biết, không chỉ ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn sử dụng internet để tìm hiểu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao.

Trong đó không ít HTX quan tâm tới thương mại điện tử, tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản nông nghiệp...

Từ 17/10, huyện Chương Mỹ đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên tất cả lĩnh vực.

Riêng đối với sản xuất nông sản nông nghiệp, huyện sẽ huy động nguồn lực nâng cấp hạ tầng công nghệ số hiện đại, đồng bộ, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành, khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR.

Địa phương này cũng tích cực đẩy mạnh thông tin, truyền thông về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào quản lý điều hành, sản xuất.

Đặc biệt thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có nông sản nhằm tìm đầu ra cho bà con. 

Ngoài ra, huyện cũng tập trung tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận chính sách và đưa công nghệ số vào sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.