- Trong phần bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai - người được coi là cánh tay đắc lực của Phạm Công Danh đã nói gì?
Ngày 22/8, phiên tòa xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (viết tắt là VNCB) tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.
Giám sát khác kiểm soát
Trong phần bào chữa trước đó, các luật sư đã đề nghị HĐXX tuyên nhiều bị cáo không phạm tội. Được xác định là “cánh tay đắc lực” của Phạm Công Danh tại VNCB, bị cáo Phan Thành Mai đã có 2 luật sư tham gia bào chữa. Buổi làm việc hôm nay tiếp tục với phần trình bày quan điểm của luật sư Nguyễn Quang Anh - người bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB).
Theo đó, luật sư Quang Anh không đồng tình với quan điểm và mức án đề nghị từ 24 đến 26 năm tù với hai tội danh mà Viện kiểm sát đã đề nghị đối với bị cáo Phan Thành Mai.
Luật sư cũng cho rằng việc cáo trạng quy buộc Phạm Công Danh, Phan Thành Mai và các đồng phạm thực hiện các giao dịch trị giá trên 5 tỷ đồng mà không báo cáo tổ giám sát vi phạm Quyết định số 12 của NHNN, phạm tội cố ý làm trái là không đúng.
Bị cáo Phan Thành Mai (đeo kính), người được coi là "cánh tay đắc lực" của Phạm Công Danh tại VNCB. |
Vị luật sư lập luận tại kết luận thanh tra của NHNN kết luận "trong trường hợp đề án tái cơ cấu không được phê duyệt đề nghị Thống đốc NHNN đặt ngân hàng (tức VNCB - PV) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt". Đề án tái cơ cấu sau đó đã được NHNN phê duyệt. Do vậy, theo luật sư trong giai đoạn từ 2012 đến 29/7/2014, VNCB chỉ ở trong tình trạng “giám sát đặc biệt” chứ không phải tình trạng “kiểm soát đặc biệt”. Hai thuật ngữ pháp lý trong trường hợp này khác nhau.
Luật sư phân tích, khi ngân hàng trong tình trạng giám sát đặc biệt thì NHNN chỉ được quyền cử cán bộ NHNN đến để giám sát chứ không được thông qua các giao dịch. Việc quyết định số 12 của NHNN yêu cầu VNCB phải báo cáo đối với mọi giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên là không đúng, bản thân quyết định này đã gây khó khăn cho hoạt động của VNCB lúc bấy giờ.
Ông khẳng định trong trường hợp này VNCB và các bị cáo không vi phạm quy định báo cáo, xin phép, không “cố ý làm trái” mà tổ giám sát phải có nghĩa vụ chủ động giám sát, kiểm tra.
Không đồng phạm?
Sau khi đưa ra lập luận trên, vị luật sư đi vào phân tích những cáo buộc cụ thể đối với bị cáo Phan Thành Mai trong vụ án.
Theo cáo trạng, bị cáo Phan Thành Mai đã đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh và các cấp dưới lập các hợp đồng khống thuê mặt bằng tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh để rút 601 tỷ đồng. Luật sư cho rằng các hợp đồng trên đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của VNCB và như đã lập luận ở trên, việc làm này không cần phải báo cáo Tổ giám sát NHNN. Việc cáo trạng quy kết bị cáo Mai giúp sức cho Phạm Công Danh để rút 601 tỷ đồng là không có cơ sở.
Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa. |
Đối với khoản tiền 5.490 tỷ đồng liên quan nhóm bà Trần Ngọc Bích, luật sư Quang Anh đồng tình quan điểm với nhiều luật sư đồng nghiệp khác khi cho rằng VNCB không bị thiệt hại khoản tiền này, hậu quả thiệt hại vụ án chưa xảy ra nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Ngoài ra, suốt phiên tòa nhiều lần bị cáo Mai khẳng định không biết việc VNCB chi nhánh Sài Gòn cho nhóm Trần Ngọc Bích vay tiền. Sau khi tiền đã được giải ngân bị cáo Mai mới biết nên việc VKS cáo buộc bị cáo Mai giúp sức, đồng phạm với Phạm Công Danh là không có căn cứ.
Đối với cáo buộc là người đề xuất phương án ủy thác đầu tư cho Quỹ Lộc Việt mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh để Phạm Công Danh rút 900 tỷ đồng, luật sư cho rằng đề xuất trên của bị cáo Mai có cơ sở kinh tế và tin rằng VNCB sẽ có lãi.
Việc Thiên Thanh thật sự có năng lực phát hành trái phiếu hay không bị cáo Mai không thể biết chính xác mà chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính của Thiên Thanh được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, lợi nhuận sau thuế đạt hàng trăm tỷ đồng. Trách nhiệm thẩm tra thuộc về Quỹ Lộc Việt. Trong trường hợp việc ủy thác đầu tư không đúng thì luật sư mong HĐXX xem xét, bị cáo Mai không đủ năng lực để quyết định vấn đề này.
Đối với tội danh vi phạm quy định về cho vay đối với 12 pháp nhân của Tập đoàn Thiên Thanh, luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét vì các khoản vay này đều có tài sản đảm bảo.
Nội dung
Theo cáo trạng, khoảng tháng 5/2013, để có tiền sử dụng và chi chăm sóc khách hàng, Phạm Công Danh tổ chức cuộc họp với các cấp dưới để bàn về việc tìm cách rút tiền từ ngân hàng. Bị cáo Phan Thành Mai là người đã đề xuất phương án, ký tờ trình thành lập Ban chỉ đạo đầu tư hiện đại hóa công nghệ để rút 63,2 tỷ đồng thông qua việc nâng cấp hệ thống Corebanking. Liên quan đến cáo buộc lập hồ sơ khống về việc VNCB thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM), bị cáo Mai bị cáo buộc là người đã ký tờ trình thuê trụ sở và phê duyệt cho tạm ứng tiền đặt cọc để VNCB chuyển tiền cho 2 công ty do Phạm Công Danh thành lập thuê người đứng tên để rút 601 tỷ đồng. Đối với 5.490 tỷ đồng liên quan đến nhóm Trần Ngọc Bích, VKS kết luận bị cáo Mai là người đã ký vào các biên bản họp Hội đồng quản trị để hợp thức hóa việc cho vay. Cáo trạng cũng xác định ông Mai chính là người liên hệ với ông Nguyễn Việt Hà (Tổng Giám đốc Quỹ Lộc Việt) đặt vấn đề ủy thác đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh để Danh rút 900 tỷ đồng. Cáo trạng xác định hành vi cố ý làm trái của bị cáo Mai đã đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh gây thiệt hại 7.037 tỷ đồng. Về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cáo trạng cho rằng bị cáo Mai đã cùng các bị cáo khác xây dựng hồ sơ vay vốn, phương án kinh doanh không có thật để cho 12 pháp nhân của Tập đoàn Thiên Thanh vay 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 1.692 tỷ đồng. |
M.Phượng