Sau khi Báo VietNamNet có bài “Tâm lý tích trữ tiền của người già nông thôn…”, nhiều độc giả bình luận, gửi thư về báo chia sẻ thêm về vấn đề này và tâm sự, ngay cả những người cao tuổi có lương hưu, sống ở thành thị nếu không làm thêm việc gì thì cũng đang sống rất khó khăn khi lạm phát tăng cao; chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Đặc biệt, trong những chia sẻ gửi về VietNamNet có những câu chuyện rất cảm động hay những chia sẻ rất tâm huyết của các cụ cao niên – những người trong cuộc – khi nói về đời sống hưu trí của bản thân hiện nay. Chúng tôi xin lược qua một vài các ý kiến liên quan đến chủ đề rất hay và ý nghĩa này tới bạn đọc.
Ông Đỗ Anh Khoa (72 tuổi, cựu viên chức ngành Đường sắt đang sống ở Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Vợ ông vốn là công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhưng do sức khỏe và quá trình tinh giản biên chế nên vợ ông về hưu một cục. Còn bản thân ông là kĩ sư thì nghỉ hưu đúng tuổi, nhưng lương của 2 vợ chồng rất thấp do ngành Đường sắt vang bóng một thời đã hụt hơi và làm ăn kém hiệu quả trong thời gian dài.
“Vợ tôi bán nước mưu sinh, trong khi bản thân tôi lúc mới nghỉ hưu thì chạy xe ôm và giờ có tuổi thì bán vé số. Lương hưu thấp, sống ở thành thị mà không làm thêm thì thật khó khăn. May mắn vợ chồng chịu thương chịu khó sớm hôm nên cũng lo được cho 2 con ăn học nên người, có công việc ổn định. Do chúng tôi lập gia đình muộn, có con muộn nên khi nghỉ hưu cũng là lúc khó khăn nhất. 2 năm qua chúng tôi mới không còn cảnh “đầu tắt mặt tối”, chứ trước đây thì khốn khó vô cùng”, ông Khoa chia sẻ.
Một độc giả ở Nam Định, bác Nguyễn Thị Thuần (70 tuổi, cựu công nhân Nhà máy dệt Nam Định) chia sẻ: Bác vốn là công nhân bậc cao của nhà máy dệt, cái nôi xây dựng CNXH ở miền Bắc một thời. Thế rồi, khi dệt may khó khăn, công nhân nghỉ việc hàng loạt và bác nghỉ hưu sớm thì việc nhận những đồng lương hưu ít ỏi mỗi tháng thực sự là nỗi ám ảnh và có phần ngậm ngùi. ““Đói đầu gối phải bò”, chạy chợ, khâu vá thuê cho tới làm hàng thủ công mỹ nghệ để tăng thêm thu nhập ở cái tuổi nghỉ hưu khiến giờ đây nghĩ lại vẫn có chút rùng mình. Nếu cứ nhìn vào đồng lương chả đủ tiền chợ búa thì sẽ rất cực”, bác Thuần thẳng thắn.
Làm bảo vệ tại một tòa nhà văn phòng ở phường Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội – ông Nguyễn Thông (71 tuổi, quê Ninh Bình) cho biết: Ông vốn là công nhân nhà máy xi măng, nghỉ hưu hơn chục năm trước. Lương hưu thấp, về quê nuôi con gà con lợn nhưng hết dịch bệnh lại gặp cảnh thị trường thừa mứa mất giá không bán được khiến ông 2 lần phá sản. Nhân lúc lên chăm cháu cho con gái, ông bàn với vợ cả 2 cùng lên thành phố làm thêm. Vợ ông trông cháu cho con gái, tối đến bán nước chè đá. Bản thân ông thì làm bảo vệ cho tòa nhà này là đơn vị thứ 3, công việc cũng đã được 8 năm dù lương thấp nhưng cũng gọi là có thêm đồng tiêu vặt thay vì ngửa tay xin con cháu.
Chia sẻ thêm về cuộc sống tha hương lúc về già, ông Thông cho rằng: “Xã hội giờ là thế, tự chủ là tốt nhất. bản thân 2 vợ chồng cũng thuê nhà trọ chứ không ở cùng các con. Cuối tuần chúng làm bữa tươi mời bố mẹ sang ăn uống và chơi với các cháu thì sang, còn thường ngày chúng tôi vẫn đi kiếm tiền và về phòng trọ của mình. Thông cảm cho các con và tự do cho chính bản thân, không phải phụ thuộc vẫn là tốt nhất.
Câu chuyện của ông Khoa, ông Thông hay bà Thuần chỉ là vài trong hàng ngàn câu chuyện về người cao tuổi đang mưu sinh nơi phố thị khi họ không hề có một khoản lương hưu hay trợ cấp nào. Chính vì vậy tâm lý tích trữ tiền lo hậu sự của người già sống ở quê hay những người còn sức khỏe tha hương và tiếp tục lao động như vợ chồng ông Thông không phải là ít. Chỉ cần các bạn chú ý một chút, ngồi trên xe bus đi dọc các tuyến phố là các khu mua sắm thì hình ảnh những người cao tuổi làm bảo vệ hay các bà bán nước chè nơi đầu hẻm, cuối phố đã quá đỗi thân quen.