Về quê, nhìn ông bác gần 70 tuổi đang ngồi lướt TikTok khá chuyên nghiệp. Thấy vậy tôi hỏi, ai dạy mà bác cũng cập nhật công nghệ dữ ha? Ông (Nguyễn Đức Chi, 69 tuổi – Thanh Liêm, Hà Nam) cười nhìn tôi rồi trêu: Không cập nhật thì để chúng mày hưởng hết à? Vâng, cái sự hưởng ở đây ông nói là những thành tựu công nghệ trong cuộc sống, những giá trị mà người già cũng cần tiếp cận và thụ hưởng trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra như vũ bão hiện nay.
Lướt sang bác Lan, vợ ông Chi, bác nhìn tôi cười rồi khoe, tao vừa đặt giấy in thiệp trên Lazada. Mua trên mạng rẻ hơn ngoài quầy kia được gần 20 “cành” (20.000 đồng) – tội gì. Tôi lại được phen mắt tròn mắt dẹt về sự hiện đại của 2 bác. Được biết, smartphone và những kiến thức mua hàng qua mạng, dùng mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube) cho tới thực hiện các thủ tục hành chính/dịch vụ công qua mạng của 2 bác được con gái làm nhân viên Thế Giới Di Động mua và bày cho.
Thực tế, trong bối cảnh thời đại công nghệ số phát triển, khi mà mạng Internet (cáp quang băng rộng) phủ sóng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn đã giúp người dân không chỉ dễ dàng kết nối với nhau mà còn là kho dữ liệu khổng lồ về tri thức, thông tin, giải trí, đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, trong đó có người cao tuổi. Trong khi đó, ở nhiều địa phương như Hà Nam, Ninh Bình… sự hoạt động sôi nổi của các Tổ công nghệ số cộng đồng cũng là điểm nhấn khi tuyên truyền hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ một cách dễ dàng đúng như tinh thần “bình dân học vụ” xóa mùa chữ trước kia, nhưng là xóa mù công nghệ.
Cầm chiếc điện thoại trên tay, bác Trần Bình (77 tuổi, quê ở Văn Giang, Hưng Yên) vừa chơi cờ tướng (ở nhà người bạn hàng xóm) vừa mở cho tôi xem những hình ảnh từ camera giám sát khu vườn cây cảnh tiền tỉ ở nhà và ngó xem vợ bác đã cắm cơm chưa hay đi chợ chưa về. “Cập nhật công nghệ để hiểu biết về thị trường, giá cả; các xu hướng chơi cây cảnh; thanh toán qua mạng… là điều cần thiết của các nhà vườn. Tôi giờ già rồi không trực tiếp chăm cây, nhưng tham gia giám sát, bán hàng cho các con chứ chẳng nhẽ ngồi không. Đi chơi cờ thế này thôi, nhưng tôi vừa bán được lô hương ta 200 cây cho một anh ở Thanh Hóa đấy” - vừa nói ông Bình vừa đưa tôi xem màn hình trao đổi qua Zalo và khoản tiền 10 triệu đặt cọc của vị khách.
Chưa thể “thanh niên” được như ông Chi, ông Bình, bác Tạ Thị Tuyến (62 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) vừa lau tay ướt vào quần, vừa vội vàng “bắt máy” cuộc điện thoại hình (video call) của con gái gọi về từ Hàn Quốc. Đi làm xa, gửi con ở nhà ông bà ngoại nên cứ 9h sáng Chủ nhật là con gái bà lại gọi về hỏi thăm sức khỏe bố mẹ và nói chuyện về tình hình của con cái. Mặc dù đi làm xa nhà 5 năm rồi, nhưng 2 vợ chồng con gái bà Tuyến cảm thấy rất an tâm khi hàng tuần đều có thể trò chuyện cùng con, nhìn thấy bố mẹ khỏe mạnh. Bà Tuyến còn cho biết thêm, máy của bà còn cài cả “vây chát” (WECHAT) để nói chuyện với cậu con trai đang làm việc bên Trung Quốc.
Cùng chung suy nghĩ như bà Tuyết, bác Nguyễn Thị Mùi (64 tuổi, quê Vụ Bản, Nam Định) đang đi làm giúp việc cho người cháu tại Hà Nội chia sẻ: Trước đây bà chỉ biết dùng điện thoại “cục gạch” dùng nghe gọi là chính, quan trọng là bàn phím phải chữ to, màn hình dễ đọc. Thế rồi từ khi con gái mua cho chiếc điện thoại thông minh, lập tài khoản Zalo, Facebook, YouTube rồi hướng dẫn mẹ cách sử dụng. “Ban đầu tôi thấy khó nhưng rồi sử dụng dần cũng quen và đâm thích. Rảnh rỗi tôi lại gọi về cho ông ở nhà, gọi cho các cháu tán chuyện khiến tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà”, bà Mùi tâm sự.
Mặc dù tỉ lệ điện thoại thông minh (smartphone) đang được sử dụng ngày một nhiều lên, điều này cũng phù hợp khi Bộ TT&TT đang chuẩn bị tắt sóng 2G (máy “cục gạch” đang dùng chuẩn này). Trong một Báo cáo có liên quan về Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam 2021, nước ta có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm đến 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên. Đáng chú ý, trong số người dùng mạng xã hội phần lớn người dùng ở độ tuổi 18-34, nhưng chỉ khoảng 12% người cao tuổi nước ta sở hữu điện thoại thông minh và khoảng 6% trong số đó sử dụng máy tính cá nhân. Như vậy, những người như bác Mùi, ông Chi, ông Bình, bác Tuyến cũng chưa đại diện cho phần lớn người cao tuổi.