Chia sẻ với VietNamNet, anh H. xót xa khi sự việc diễn ra ngay tại một trường THCS có tiếng tại Hà Nội - nơi con anh đang học lớp 8.
Lớp con gái anh chia làm 3 nhóm, chơi với nhau không phải vì lực học mà đơn thuần theo sự quan tâm, sở thích. Nhóm của con gái anh có khoảng 7 bạn. Bạo lực học đường về tinh thần đến với con anh bắt đầu chỉ vì một việc rất nhỏ.
“Ngày lễ sinh nhật, theo thông thường, việc bạn bè tặng quà cho nhau là theo khả năng và tùy tâm. Nhưng trong nhóm con tôi, có những người bạn thích việc được chỉ định món quà và những người bạn phải thực hiện theo yêu cầu đó.
Một số cháu chỉ định những món quà có giá trị vật chất rất lớn. Với những cháu gia đình cho sử dụng tiền thoải mái có thể tự quyết. Nhưng với nhóm còn lại là những gia đình không cho tự ý sử dụng tiền, con sẽ phải xin bố mẹ. Gia đình tôi thuộc nhóm không “thả tự do” cho con trong việc sử dụng tiền.
Lần đó, con ngỏ ý xin tặng bạn quà sinh nhật với giá mấy trăm nghìn đồng, tôi đã không hỏi kỹ và từ chối. Bởi bình thường, con không tiêu đến số tiền lớn đến như thế bao giờ.
Không xin được bố mẹ, con đã tự tặng bạn một món quà được mua bằng số tiền ít ỏi mà con có, khoảng 30 nghìn đồng”, anh H. kể.
Việc này dĩ nhiên trái với “lệ” của nhóm, mặc dù trước đấy L., con gái anh H., chưa từng nhận quà do chưa đến lượt. Từ đó, con “dính phốt” và bị các thành viên trong nhóm cho rằng ki bo, keo kiệt.
“Ban đầu, khi hòa thuận không sao nhưng khi không hòa thuận nữa, mọi chuyện đều có thể trở thành căn nguyên của mâu thuẫn. Các thành viên trong nhóm bắt đầu tẩy chay, cô lập con”, anh H. kể.
Thường đã tham gia nhóm này, rất khó để qua chơi nhóm khác và L. rơi vào trạng thái cô lập khi đến lớp.
Khoảng 1 tuần sau, khi đón con, anh H. dần cảm nhận con rất khác trước đây, không nói chuyện nhiều với bố. “Thường ngày, trên đường, tôi hay hỏi con chuyện ở lớp. Nhưng giai đoạn đó, con không kể nữa. Về nhà, tôi cũng không thấy con nói chuyện trường lớp.
Bình thường, con là người rất chủ động trong việc giờ giấc, bài vở để đến trường, nhưng những ngày sau đó, con rất chần chừ trong việc đó. Bất kỳ một điều gì đều có thể trở thành lý do để không phải đến trường”, anh H. kể.
Khi đó, anh H. nói với vợ theo dõi hành động của con khi ngủ cùng. “Để ý, vợ tôi mới thấy rằng 2-3 đêm liền, con gặp ác mộng, vùng vẫy, giãy giụa. Có lẽ khủng hoảng tâm lý trên lớp như thế nào đi vào giấc ngủ như thế”.
Đến ngày thứ 10, mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn.
“Sau này, con cũng kể khi đến lớp, các bạn vây quanh, hò hét trước mặt. Con đã không chịu được và khóc từ tiết này sang tiết khác. Cô giáo thấy vậy liền gọi tôi đưa con về bởi con nói mệt”.
Anh H. chủ động nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, nhóm bạn này bàn nhau không nói ra sự thật. Các bạn khác trên lớp cũng nói không biết và sự việc như “tảng băng chìm”. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm cũng không có cách để giải quyết.
Linh cảm chuyện không ổn, anh H. chủ động tìm gặp phụ huynh của bạn thân L. “Ở lớp, con vẫn có những người bạn thân, nhưng lúc xảy ra chuyện, các bạn cũng chỉ dám âm thầm động viên, không dám đứng ra để ủng hộ. Bởi nếu ra mặt, ngay lập tức cũng sẽ trở thành nạn nhân như con tôi”, anh H. chia sẻ.
Sau chia sẻ, bạn thân của con (cũng là thành viên của nhóm) đã nói về tình hình lớp và nhóm bạn. Anh H. không thể ngờ con mình chính là nạn nhân của bạo lực học đường. Những ngày đó, thông tin về con bị lan truyền trong lớp rất tiêu cực.
Ở độ tuổi này, các con không lường hết hậu quả của và do hội chứng đám đông dẫn tới những hành động bồng bột, thiếu suy nghĩ, không nghĩ việc mình làm là “khủng bố” tinh thần.
“Lúc đã chủ động bài xích, các bạn nghĩ ra nhiều thứ từ việc dựng chuyện thậm chí, các con lên cả kịch bản, phân công người này, người kia giờ ra chơi tổ chức hoạt động như thế nào để khủng bố tinh thần bạn.
Việc này được bàn bạc, lên kế hoạch hằng ngày. Cụ thể, hôm nay sử dụng cách này, ngày mai cách khác, đều được phân công”, anh H. kể.
Nhóm bạn dựng chuyện để khiến L. trở thành một người rất xấu trong lớp như định hướng, tạo dòng suy nghĩ con lấy đồ của bạn này, bạn khác.
“Thậm chí, nhóm bạn hệ thống lại những chuyện lâu nay đã xảy ra trong lớp nhưng chưa rõ ai làm và tìm cách hướng đến con. Bỗng chốc con trở thành trung tâm của mọi sự rắc rối”, anh H. kể. Nhóm bạn còn cử người nói các nhóm khác không cho L. tham gia vào nhóm mới.
“Nếu trong trường hợp con tôi có ý định đến nói chuyện, tự khắc các bạn sẽ không tiếp xúc và lánh đi chỗ khác. Để định hướng nhóm kia, các thành viên nhóm này bày cách tung ra những thông tin xấu về L.”.
Điều rất nguy hiểm theo anh H. là gia đình và bố mẹ gần như không biết tình cảnh mà con đang gặp phải. “Nếu ở trường, con phải chịu đựng 10, về nhà cùng lắm con cũng chỉ bộc lộ ra 1-2 phần”.
Sau khi biết phần nào lý do, giáo viên chủ nhiệm cùng một số người bạn thân tìm cách âm thầm quan sát, giúp đỡ con.
Dần dần, những hành vi khủng bố tinh thần, gây áp lực lên con được cô giáo “bắt” đúng lúc và các bạn không thể chối cãi được nữa.
“Khi cô giáo đã nắm bắt được những việc cụ thể, mới có thể làm việc được với nhóm bạn này. Khi mọi việc rõ mười mươi, nhóm học sinh mới nhận lỗi. Cô giáo cũng liên hệ phụ huynh của nhóm bạn kia được biết sự việc để cùng tháo gỡ”.
Sau đó, vợ chồng anh vẫn dành 1 tháng để tiếp tục quan tâm con sâu sát, đồng hành từ lúc ra khỏi nhà cho đến khi tan trường.
“Thường 4h30 con tan học, khoảng thời gian đó, tôi cố gắng 4h đã có mặt tại trường. Đơn giản để con nhìn thấy mình mà yên tâm hơn. Thay vì trước đây cứ ngồi trên xe đợi trước cổng trường, tôi vào tận khu vực phòng bảo vệ, để ra khỏi cửa lớp con đã thấy bố”.
Anh H. cho hay, nếu như phụ huynh không để ý và sự việc không được phát hiện sớm, chỉ trong vòng nửa tháng, hậu quả có thể khôn lường. "Sau này, con cũng kể, khi đến lớp các bạn làm nhiều trò để cô lập, nói khích, quấy rối khiến con sợ tới lớp. Có hôm ấm ức không chịu được con nói mệt xin cô cho về”.
Sau sự việc, vợ chồng anh H. cũng nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý, người thân nói cho con hiểu rằng môi trường nào cũng sẽ có những nhóm chơi đồng chí hướng hoặc không và trong mọi hoạt động không thể lúc nào cũng có thể làm hài lòng tất cả các bạn.
“Đó cũng là lý do chúng tôi cùng con thống nhất không xin chuyển lớp. Tôi nói với con, nếu lúc nào cũng làm hài lòng được tất cả mọi người con sẽ không phải là chính mình nữa. Con phải học cách lựa chọn, tức có thể chơi với bất kỳ nhóm nào, nhưng phải là chính mình.
Con có thể chơi nhóm này hoặc nhóm khác và không nhất thiết phải hay chỉ chơi một nhóm. Thực tế, sau này việc cô lập ở trong lớp thi thoảng vẫn diễn ra với bạn này, bạn kia. Nhưng con tôi đã không sợ việc bị cô lập nữa và chủ động trong việc lựa chọn người chơi”, anh H. kể.