- Mọi người đã chuẩn bị kèn trống và dựng rạp cho một đám ma vào những ngày rét mướt nhất của miền Bắc thì cô Thìn chợt tỉnh lại. Như muốn chứng minh, mình còn rất thèm sống cô bắt đầu nói nheo nhéo…

TIN BÀI KHÁC:

Người hay nói được ở lại trần gian

Hơn một tuần trước, trong một buổi sáng lạnh buốt, cô Hà Thị Thìn, 48 tuổi quê ở thôn 7, xã An Ninh, Bình Lục, Hà Nam, tỉnh giấc. Nghĩ còn phải có miếng cơm nuốt vào trong bụng cô lập cập xuống bếp bắc nồi để rang cơm. Lửa bén rơm củi thì cũng là lúc cô lên cơn động kinh ngã rúi vào bếp… lửa bén vào áo quần, khăn len khiến 1 nửa người cô cháy rụi.

Nhà cô Thìn đông anh em, thế nhưng mọi người nghèo khổ lưu lạc ở khắp mọi miền. Chỉ còn mỗi cậu em trai, làm nghề phụ xây phải ở nhà hương hỏa tổ tông nên lấy vợ và sống cạnh chị. Cô Thìn bị bỏng một lúc thì mọi người phát hiện và hô hoán đưa đi bệnh viện. Tại bệnh viện điều trị được vài ngày, nửa người quấn trắng, hơi thở của cô chậm dần… bác sĩ nói bệnh nhân khó qua khỏi nên gia đình hiểu ý xin phép đưa cô về nhà lo hậu sự.

Trong bi kịch người phụ nữ này vẫn rất ham nói… Có lẽ còn cô còn thèm khát điều đó nên ông trời chưa bắt cô đi
Ở nhà cô Thìn, người ta đã phá rào để thông với nhà bên để nếu có đám tang thì lo liệu cho rộng rãi, các cụ già trong làng đã thức cả đêm để tụng kinh đưa cô đi trong mát mẻ, nhẹ nhõm, rạp đám ma cũng chuẩn bị được dựng lên… Thế nhưng đến nửa đêm hôm đó, cô Thìn bất giác lại tỉnh. Như để chứng minh mình còn ham sống, cô Thìn nói rất nhiều, nói như mắng mọi người sao lại nghĩ mình có thể chết!

Thấy cảnh đó mọi người vừa cười vừa thương xót, cười vì cô Thìn có tính ham nói từ bé còn thương xót vì lo lắng, ngay đêm lại đưa cô trở lại viện, bệnh tật nặng đến vậy, tiền thuốc men, chữa trị lấy đâu ra?

Cục bột trắng… run run

Ngay trong đêm cậu em trai là người thân duy nhất của cô đã đưa cô trở lại viện. Khi chúng tôi đến viện để trò truyện, vừa nói với người họ hàng đang chăm cô được vài câu thì cô Thìn nghe ra là đang có người hỏi chuyện về mình nên cô bật tiếng nói. Chẳng ai ngờ người phụ nữ nằm đó, bị cháy xém nửa người, da thịt bong chóc, cả thân hình được cuộn tròn như một cục bột trắng, đôi tay run rẩy và đầy vết máu bong lại ham nói và phân trần như vậy.

“Ở quê cô mới có 1,5 gian nhà tình nghĩa, cô mong lắm được sống sướng thêm một thời gian trong đó” cô Thìn khao khát và tâm sự
Cô Thìn kể chuyện, năm 20, 21 tuổi người trong làng người ta lấy hết chồng rồi còn tôi ế. Tôi nghĩ mình bị bệnh nên chẳng có ai thèm lấy đâu, đành ở nhà với bố mẹ… Sau này bố mẹ chết trẻ, tôi chỉ trông vào em, sau này em đi lấy vợ, tôi cũng chỉ dám trông một chút vì em có con nhỏ lại chỉ làm thợ xây.

Ở quê tôi không có ruộng, tôi chỉ đi làm thuê. Lớn tuổi rồi lại bị bệnh, người ta không thuê mướn nữa vì sợ khi đi làm mình chết ở ruộng nhà họ. Biết thế nhưng tôi không oán ai cả bởi vì thỉnh thoảng tôi lăn từ đê xuống ruộng, lăn quay ra đồng tôi cũng có biết gì đâu…

Bây giờ nằm đây thì cố gắng thôi, không biết sống và chết thì khác nhau như thế nào. Có lúc nằm mà không dám nghĩ rằng mình còn sống. Thôi thì phụ thuộc hết vào ông trời, ông trời thương thì cho sống, còn ghét bắt chết mình cũng phải chịu.

Trước đây ở quê cô Thìn nhận được trợ cấp 60 nghìn, 120 nghìn rồi lên đến 180 nghìn/1 tháng. Vì không có ruộng nên tiền cô Thìn dùng để đong gạo ăn và “lúc ốm thì mua cái đậu”. Bữa cơm có thịt cá là điều xa hoa với người phụ nữ này.

Khoảng 1 tháng trở lại đây, chính quyền xã An Ninh xem xét cho hộ gia đình cô Thìn và chấp thuận cho cô làm nhà tình nghĩa, nói đến gian nhà này, cô Thìn hào hứng: Nhà nước làm cho tôi 1,5 gian nhà, tôi mới ở được ít lắm! Thực ra thì tôi chưa muốn chết, tôi còn muốn ở thêm nhà đẹp một thời gian nữa… Trong câu chuyện mà cô Thìn cố gắng kể rõ ràng hết mức cho chúng tôi nghe, có nhiều điều là niềm tin số mệnh nhưng cũng có thật nhiều những khoảnh khắc thèm sống, ham sống của một người đàn bà suy nghĩ đơn giản và sống trong khổ sở.

Cô Thìn đã lên Viện Bỏng quốc gia được 3 ngày, người em duy nhất chăm cô phải bỏ viện đi làm, chỉ có người họ hàng rất xa đang chăm cô. Người phụ nữ này chia sẻ: Giờ muốn truyền máu cô Thìn cũng cần tiền, mua thuốc ngoài cũng cần tiền… Thế nhưng nhà cô Thìn không có đâu, cậu em đã đi vay mượn khắp nơi rồi.

Cả mấy đêm nay cô Thìn bảo mình được ngủ từ 11 giờ đến 2 giờ sáng. Thời gian còn lại chỉ là đặt tay lên trán và suy nghĩ. Như lúc chúng tôi vào, đôi tay gầy nhẳng, nẹp chặt để truyền thuốc khỏi bị lệch cứ run run và đặt trên trán. Hỏi cô nghĩ gì trong đêm dài ấy, cô tâm sự: “Tôi nghĩ đến vết thương cứ đau đớn, cắn rứt. Tôi lại nghĩ về phận mình, bao giờ mình được sống như người khác đây?”. Nói với chúng tôi, cô nhắn nhủ: Em trai cũng khổ, không giúp tôi chữa bệnh được, nếu có thể mong được các cô, các bác giúp đỡ. Nếu có tiền mua thuốc, nộp cho bệnh viện, tiếp máu… có lẽ cô sẽ sướng hơn vì lại được sống!

Lời khẩn cầu của cô Hà Thị Thìn, cần lắm sự chia sẻ từ mọi người. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Em trai của cô Thìn: Hà Đình Kiểm, thôn 7, xã An Ninh, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam.
Đến trực tiếp bệnh viện: Phòng 614 khoa Bỏng người lớn, Viện Bỏng Quốc gia (Hà Đông, Hà Nội)

2. Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ cô Hà Thị Thìn)
Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ Nguyễn Thị Hồng)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
-The currency of bank account: 0011002643148
-Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3,TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn


Phan Loan