Người dân, doanh nghiệp phải dùng nhiều chữ ký số

Chữ ký số là giải pháp được quốc tế và Việt Nam công nhận về tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ, khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký và có giá trị pháp lý tương đương chữ ký tay; có thể giải quyết triệt để các nguy cơ an ninh trong giao dịch trực tuyến, nhất là những giao dịch đòi hỏi tính xác thực cao như giao dịch tài chính, ngân hàng.

Luật Giao dịch điện tử 2023 có hiệu lực từ tháng 7/2024, đã có nhiều quy định quan trọng về chữ ký số, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng chữ ký số vào mọi hoạt động của người dân, doanh nghiệp trên mạng.

Là một trong những văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch điện tử 2023, dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy đã được Bộ TT&TT xây dựng với quan điểm nhất quán bám sát quy định của Luật Giao dịch điện tử và kế thừa có chọn lọc quy định hiện hành cùng kinh nghiệm quốc tế liên quan.

Quá trình góp ý dự thảo Nghị định này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ lo ngại một số quy định sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như làm tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử.

xac thuc sinh trac hoc.jpg
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, có nhiều biện pháp xác thực áp dụng với tổ chức, cá nhân dùng dịch vụ ngân hàng, trong đó có chữ ký số, nhận dạng sinh trắc học... Ảnh minh họa: Hùng Nguyễn

Giải đáp mối băn khoăn của Hiệp hội Ngân hàng về việc các tổ chức tín dụng sẽ chỉ còn duy nhất một sự lựa chọn là áp dụng chữ ký số, Bộ TT&TT nêu rõ: Các tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn sử dụng các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử thể hiện sự chấp thuận để giao dịch theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

Với lĩnh vực ngân hàng, Bộ TT&TT cho hay: Pháp luật về ngân hàng đã quy định các biện pháp xác thực mà khách hàng là tổ chức, cá nhân cần thực hiện gồm OTP, SMS, thẻ ma trận OTP, dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học, chữ ký số… tương ứng với từng loại giao dịch. Quy định này phù hợp với pháp luật về dân sự, giao dịch điện tử hiện hành.

Cũng trong nội dung phúc đáp góp ý của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Bộ TT&TT đã phân tích rõ các lý do chính để cơ quan soạn thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy không thống nhất với đề xuất của Hiệp hội việc 'Tổ chức tạo lập chữ ký điện tử bảo đảm an toàn được cung cấp chữ ký điện tử cho tổ chức, cá nhân khác để sử dụng trong giao dịch với chính cơ quan, tổ chức đó’.

Cụ thể, theo Bộ TT&TT, việc cho phép cơ quan, tổ chức tạo lập cung cấp chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện giao dịch với chính tổ chức đó sẽ dẫn đến tình trạng: Mỗi ngành, lĩnh vực, tổ chức, cơ quan xây dựng hệ thống tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn riêng chỉ để phục vụ hoạt động giao dịch với chính cơ quan, tổ chức của mình; mỗi người dân sẽ có nhiều chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn để giao dịch trong từng ngành, từng lĩnh vực… trong khi chỉ với 1 chữ ký số công cộng là người dân đã có thể giao dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

“Việc đầu tư hệ thống, công nghệ phục vụ tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn với độ an toàn, bảo mật cao đòi hỏi chi phí lớn. Do đó, việc mở rộng về tổng thể sẽ gây lãng phí nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực, tài nguyên quốc gia”, đại diện Bộ TT&TT đánh giá.

CA công cộng đã cấp miễn phí hàng triệu chữ ký số cá nhân

Nhấn mạnh sự cần thiết sử dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch trên không gian mạng, song ông Phùng Huy Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA, cũng cho rằng: Việc triển khai chữ ký số công cộng là người dùng dịch vụ ngân hàng, tài chính sẽ có thêm lựa chọn phương thức xác thực an toàn.

“Hơn thế, chỉ cần có 1 chữ ký số công cộng duy nhất, người dùng có thể dùng chung cho tất cả các ứng dụng trên môi trường mạng, từ xác thực đăng nhập đến xác thực giao dịch đảm bảo ràng buộc trách nhiệm pháp lý được kiểm chứng chống chối bỏ. Việc này giúp cho tất cả các bên cùng có lợi, tăng tính trải nghiệm và tuân thủ các quy định mới nhất của pháp luật về bảo vệ dữ liệu, giao dịch tài chính, ngân hàng và Luật Giao dịch điện tử 2023”, ông Phùng Huy Tâm chia sẻ.

chu-ky-so-ca-nhan.jpg
Hiện nay, 100% doanh nghiệp Việt Nam đã có ít nhất 1 chữ ký số công cộng để thực hiện các giao dịch trực tuyến. Ảnh minh họa: L.Anh

Trao đổi với phóng viên VietNamNet về sự lo ngại của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam rằng, áp dụng chữ ký số công cộng sẽ làm tăng chi phí cho người dùng, ông Phùng Huy Tâm thông tin: Hiện tại, 100% tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động đều đã sử dụng ít nhất 1 chữ ký số công cộng đại diện cho đơn vị để thực hiện các giao dịch điện tử như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, phát hành hóa đơn điện tử, ký kết hợp đồng điện tử, giao dịch ngân hàng… Thời gian qua, việc chỉ dùng 1 chữ ký số cho tất cả giao dịch điện tử đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí, thời gian, nhân sự.

Với các cá nhân, theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, thời gian qua, các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng đã cấp miễn phí hàng triệu chữ ký số cá nhân để người dân ký khi dùng dịch vụ công. Hiện tại, người dân có thể dễ dàng đăng ký và sở hữu 1 chữ ký số cá nhân mà hoàn toàn không mất chi phí đăng ký, duy trì hiệu lực của chữ ký số.

Chi phí sử dụng dịch vụ với người dùng cá nhân cũng đã được các CA công cộng đưa ra theo nhu cầu sử dụng đặc thù của mỗi đối tượng khách hàng với đa dạng các hình thức cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn như, hình thức sử dụng thuê bao trọn gói không giới hạn lượt ký và ứng dụng ký có giá từ 5.000 đồng/tháng; hình thức tính phí theo lượt ký khi có phát sinh nhu cầu ký số với giá từ 1.000 đồng/lượt.

Tính đến tháng 7/2024, các CA công cộng đã cấp miễn phí hàng triệu chữ ký số cá nhân để người dân ký khi dùng dịch vụ công, và tiến tới bao phủ khoảng 50% dân số trưởng thành tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Chúng tôi cho rằng việc sử dụng 1 chữ ký số cho mọi giao dịch của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là hoàn toàn phù hợp và tối ưu về chi phí, trải nghiệm khách hàng; không làm phát sinh thêm các chi phí không cần thiết khi phải sử dụng, quản lý thêm nhiều chữ ký số với các mục đích sử dụng khác nhau”, ông Phùng Huy Tâm khẳng định.