Hoạt động trong vòng vây địch, đảm bảo liên lạc xuyên suốt

Sau Hiệp định Genève 1954, để phù hợp tình hình mới, tháng 10/1954, Trung ương thành lập lại Xứ ủy Nam Bộ. Tháng 3/1955, chính quyền Ngô Đình Diệm ráo riết thi hành chính sách “Tố cộng, diệt cộng”, liên tục thực hiện càn quét, bố ráp, bắt bớ, nhiều đồng chí đã sa vào tay giặc. Trước tình hình bất lợi đó, để đảm bảo an toàn, tháng 5/1956, Xứ ủy và các bộ phận giúp việc tạm lánh sang Campuchia, đồng thời chỉ đạo chôn giấu điện đài. 

Đồng chí Nguyễn Thành Danh, nguyên Trưởng Ban thông tin liên lạc TWC miền Nam, nguyên Giám đốc Bưu điện TP.HCM. Ảnh tư liệu do VNPT TP.HCM cung cấp.

Lúc này, chỉ còn một điện đài duy nhất phục vụ Xứ ủy do đồng chí Nguyễn Thành Danh (tự Sáu Đại) phụ trách để đảm bảo thông tin liên lạc với Trung ương. 

Do địch liên tục càn quét, đồng chí Sáu Đại và các đồng đội của mình đã hoạt động vô cùng vất vả, di chuyển liên tục và hoạt động mọi lúc mọi nơi. Có những lúc mùa nước nổi, đài phải hoạt động trên các xuồng, dùng dụng cụ đánh bắt cá để nguỵ trang. Địch lại tiếp tục bố ráp, tình hình căng thẳng, lúc này Xứ ủy chỉ đạo đài tạm lắng để bảo toàn lực lượng, nhưng đài vẫn tranh thủ làm việc để giữ liên lạc với đài Trung ương tại Hà Nội nhằm phục vụ lãnh đạo Xứ uỷ.

Có thời điểm, đài bị địch phát hiện và bao vây, chúng tìm cách bắt cho bằng được đồng chí Sáu Đại. Tuy nhiên, lúc bị kẹt trong vòng vây với tình hình đầy nguy cấp, đồng chí đã được người dân dẫn đường thoát khỏi địch. 

Thế nhưng, không vì gặp nguy hiểm mà đài ngừng hoạt động, đồng chí Sáu Đại vẫn đảm bảo việc liên lạc xuyên suốt trở lại ngay sau đó.

Dùng “Cụm đài thật, tín hiệu giả” để thoát khỏi chiến tranh điện tử

Năm 1962, đồng chí Nguyễn Thành Danh giữ chức Trưởng Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam. Theo ông Trần Minh Việt (tự Trần Hồi), một trong những học trò đầu tiên của đồng chí Sáu Đại tại Trường Thông tin Lý Tự Trọng lúc đó, ông Sáu Đại là một người lãnh đạo đầy bản lĩnh, sáng tạo và luôn tìm mọi cách để đảm bảo cho việc thông tin liên lạc được xuyên suốt từ TWC miền Nam ra Trung ương cũng như các đơn vị khác.

Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, địch liên tục mở các cuộc càn quét. Lúc này, thông tin vô tuyến điện là vô cùng quan trọng. Vì vậy, địch dùng mọi thủ đoạn để đánh phá, tiêu diệt. Đặc biệt, chúng dùng chiến tranh điện tử là mối nguy hiểm lớn cho mạng thông tin của ta. Chúng đặt trạm kiểm thính trên núi Bà Đen, Thái Lan, Hạm đội 7 và thực hiện theo dõi 24/24 giờ, nhằm phát hiện đài thông tin của ta phát sóng để thu thập tin tức, định hướng, tìm diệt cụm đài và cơ quan đầu não của ta.

Lớp học nghiệp vụ tại căn cứ R của các chiến sĩ ngành Thông tin (giai đoạn 1970-1971). Ảnh tư liệu do VNPT TP.HCM cung cấp.

Để đối phó với chiến tranh điện tử, bảo vệ cụm đài của mình, ông Trần Minh Việt cho biết, Ban Thông tin liên lạc TWC miền Nam, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Thành Danh, nảy ra sáng kiến thành lập “Một cụm đài chuyên phát sóng giả” lấy phiên hiệu B6. Nhiệm vụ của cụm đài này là: Phải thu, phát như các cụm đài chính (thời điểm ấy là B19 và B20) để lôi kéo sự theo dõi của các trạm kiểm thính địch tập trung về cụm đài B6. 

Phương thức hoạt động của đài B6 làm việc giống các đài vô tuyến điện thời kháng chiến chống Pháp: Đơn giản, không phức tạp. Các giờ và phiên liên lạc cố định, mục đích tạo ra nửa kín, nửa hở làm cho địch dễ phát hiện và đánh giá lực lượng vô tuyến điện của ta còn non yếu, càng sơ hở càng tốt, khiến địch ráo riết theo dõi, bám sát. 

Ông Trần Minh Việt kể lại, lúc này các bản tin của đài B6 được phát ra hằng đêm và địch cũng nhận được nhưng không thể dịch, vì đây là các bản tin không có ý nghĩa.

Tháng 4/1970, một thử lửa mới lại được giao cho cụm đài B6. Để phục vụ cho cuộc hành quân vượt biên giới sang đất bạn Campuchia của các ban, ngành và Trung ương Cục an toàn, cụm B6 vẫn phát sóng liên tục như mọi ngày ở căn cứ cho đến khi chấm dứt cuộc hành quân, cụm B6 mới rút đi. 

Thời gian này cụm B6 phải chịu pháo bầy và B52, B57 liên tục đánh phá vào khu vực cụm đài, có đêm địch trút xuống 27 đợt B52, mà chúng cho là Việt cộng khó tồn tại trên mặt đất. Có thể nói, hành động của cụm đài là rất gan dạ, dũng cảm, tự nguyện làm con mồi trên làn sóng điện cho địch đánh phá. Ác liệt nhất là lần bị B52 rải thảm 9 đợt, mỗi đợt 3 chiếc đã làm 1 báo vụ hy sinh. Có thể khẳng định trong suốt 7 năm liên tục hoạt động, dù địch có phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn hẳn ta, cụm đài B6 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Người giữ sóng điện đài Trung ương Cục miền Nam không bao giờ tắt

Những người hoạt động cùng ông Sáu Đại mỗi khi gặp lại, đều ví von ông là người giữ sóng điện đài cho TWC miền Nam không bao giờ tắt.

Theo ông Trần Minh Việt, cách ví von đó bắt đầu có từ chiến dịch Gian-xơn Xi-ty của quân đội Mỹ và không lực Việt Nam Cộng hoà nhắm vào Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam năm 1967. Đây là một trận càn lớn và vô cùng quy mô. Lúc này, lực lượng thông tin liên lạc miền Nam có 2 cụm đài là B19 và B20 đang hoạt động chính. 

Nguyên các đồng chí lãnh đạo Ban Thông tin liên lạc TWC miền Nam. Ảnh tư liệu do VNPT TP.HCM cung cấp.

Chiến dịch bắt đầu bằng một trong những cuộc đột kích bằng máy bay trực thăng quy mô nhất, 240 chiếc trên bầu trời tỉnh Tây Ninh. Quân đội Mỹ huy động 30.000 lính cho chiến dịch phối hợp với 5.000 lính Việt Nam Cộng hòa. Cũng trong thời gian này, họ cũng triển khai các cuộc hành quân vào các vùng đất biên giới Tây Ninh để tìm diệt lực lượng Quân Giải phóng đang tập trung tại vùng này.

Ông Trần Minh Việt cho biết, địch hành quân càn quét rất sớm, khoảng 6h sáng, đã tiến hành đổ bộ vào huyện Tân Biên (Tây Ninh), nơi có các đài của ta đang đóng tại đây. Để đảm bảo việc liên lạc được xuyên suốt, đồng chí Sáu Đại đã chỉ đạo cả 2 đài tiến hành hành quân qua biên giới Campuchia và đóng quân cách biên giới Việt Nam tầm nửa cây số. Vì hoạt động ở biên giới Campuchia, mà lúc đó nước này cũng có lực lượng biên phòng tuần tra, nên để nguỵ trang qua mắt họ, các chiến sĩ lúc bấy giờ phải giấu điện đài, dùng bông băng và thuốc đỏ giả thành thương binh vào ban ngày và ban đêm bật điện đài lên hoạt động.

Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tháng 4/1970, địch mở trận càn lớn, đánh dọc biên giới tỉnh Tây Ninh và đánh sâu vào đất Campuchia hòng tiêu diệt TWC. Có thể nói, đây là thời điểm rất ác liệt. Các cụm đài hành quân di chuyển liên tục, phải luôn ngụy trang hành lang di chuyển, tránh biệt kích, thám báo rình rập theo dõi; ngụy trang chống chiến tranh điện tử từ trên không, dưới mặt đất để tồn tại và giữ vững mạch máu thông tin liên lạc phục vụ TWC. 

Ác liệt của bom đạn, khó khăn, gian khổ của chiến trường, có lúc tưởng chừng sức người không thể chịu đựng nổi. Nhưng không vì vậy mà cán bộ, chiến sỹ thông tin TWC chùn bước. Địch đánh ta cứ đi, cứ lên sóng điện liên lạc, mặc cho trinh sát điện tử, máy bay quần thảo trên không suốt ngày đêm. Trong suốt trận càn biên giới, cánh sóng điện của đài thông tin TWC không bao giờ tắt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những thời điểm khó khăn ác liệt nhất.

Một kỉ niệm đáng nhớ cũng được ông Trần Minh Việt kể lại. Đó là thời điểm ông Việt đang làm Trưởng Đài vô tuyến điện TWC tại Campuchia. Trước khi kí Hiệp định Paris vào năm 1973, địch mở chiến dịch ném liên tục các đợt bom B52 vào cụm đài. Thế nhưng, đồng chí Sáu Đại vẫn kiên quyết yêu cầu cho dù có trúng bom cụm đài vẫn không được tắt, để địch không biết rằng đã đánh trúng và việc đảm bảo thông tin liên lạc vẫn phải giữ xuyên suốt cho đến khi Hiệp định Paris được ký kết. Cho nên nói ông Sáu Đại là người giữ cho sóng điện đài TWC không bao giờ tắt là vì thế.